VDSC: Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các thị trường khu vực

(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường với quan điểm thận trọng trong những tháng cuối năm. Theo VDSC, không chỉ ở Việt Nam, mà khối ngoại cũng rút ròng mạnh tại các thị trường chứng khoán lân cận trong tháng 8.

Theo VDSC, dữ liệu thống kê cho thấy, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 8. Cùng lúc đó, dòng tiền ETFs cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đặc biệt tới từ VFMVN30. Do có độ trễ khoảng 1 tháng giữa giao dịch trên sàn của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài so với diễn biến của dòng tiền ETFs, khả năng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn là khá cao.

Ngoài ra, ngày càng ít khả năng dòng tiền ngoại sẽ trở lại thị trường trong ngắn hạn. Lý do vì chiến tranh thương mại kéo dài khiến các NĐT chọn kênh đầu tư vào tài sản an toàn hơn, NĐT ngoại có thể tiếp tục bán ròng E1VFVN30 ETF để chuẩn bị vốn cho các ETFs mới.

Sở giao dịch TP. HCM cũng đã công bố 3 bộ chỉ số mới. Trong đó, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ NĐT nước ngoài. Vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần sẽ một phần giải tỏa nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài. VDSC kỳ vọng Sở có thể công bố rổ chỉ số Vietnam Diamond Index ngay trong tháng 10 tới. Sự ra đời của các ETFs mô phỏng các rổ chỉ số mới này. Theo đó, có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa diễn ra trong tháng 9.

Không chỉ ở Việt Nam, mà khối ngoại cũng rút ròng mạnh tại các thị trường lân cận trong tháng 8. Thị trường Việt Nam bị bán ròng ít nhất so với các thị trường còn lại. Bối cảnh vĩ mô tích cực và khả năng duy trì đồng bản tệ ổn định có vẻ đang là điểm cộng để Việt Nam có sức hút với dòng tiền dài hạn của NĐT nước ngoài. Nếu loại trừ tác động của một số cổ phiếu có mức P/E cao và tỷ trọng (như nhóm Vingroup), mức P/E của thị trường thậm chí còn thấp hơn hơn.

Diễn biến thị trường trong nhiều tháng qua chủ yếu chịu sự chi phối của ngoại tác hơn là vấn đề nội tại trong nước. Cho đến khi có yếu tố đủ mạnh để thu hút dòng tiền của cả NĐT trong nước cũng như nước ngoài, VDSC đánh giá khả năng bứt phá qua ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index là không cao.

Theo Đời sống
back to top