Vắt, đỉa… và những nỗi sợ

Mỗi người cần phải trang bị những kiến thức cơ bản nhất về cuộc sống xung quanh mình để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò dọa dẫm, của những nỗi sợ như sợ vắt, đỉa…

Hình minh họa.

Một người bạn gửi cho đường link, lại còn dặn: Nhà đấy hay ăn cua, xem bài này mà cẩn thận nhé! Đọc cái tít: Đỉa lúc nhúc trong cua, thấy ghê quá. Nhưng hóa ra là những con vắt bám vào mai cua. Dù cùng loài, nhưng con đỉa thì to hơn gấp nhiều lần, còn vắt thì nhỏ tí như đầu kim.

Bình thường trong các loài rau thủy sinh như rau cần, rau cải xoong, rau muống nước… hay ở cua, ốc… vẫn có những con vắt này. Chẳng có gì là lạ, chỉ cần làm sạch, nấu chín là an toàn. Chắc vì người viết muốn tăng phần rùng rợn để hù dọa người đọc nên đã gọi vắt là đỉa!

Tôi có xem một phóng sự về việc làm cua bẩn ở chợ. Bẩn thì đúng là bẩn thật vì nước ít, làm nhiều, làm nhanh thì sao mà sạch được.

Nhưng họ lại chọn một chi tiết: mua cua xé sẵn ở chợ về rửa lại thấy ra nước nâu nâu đen đen rồi làm ầm lên là cua bẩn, thì hoàn toàn không thuyết phục. Và rõ ràng là chẳng hiểu gì vì đấy là nước gạch cua, rửa đến bao giờ cho sạch mà sạch hết thì còn gì là ngọt nữa. Thế nên phải rửa sạch cua rồi mới xé và giã.

Con người hiện đại hiểu biết lắm thứ trên vũ trụ và trong lòng đất, biết cả những chuyện ở bên Tây bên Tàu… nhưng dường như lại thiếu hiểu biết về những điều xung quanh.

Một con gián, con nhện cũng khiến họ khiếp sợ, phải dùng đến đủ loại thuốc diệt côn trùng. Lại thêm sự ngại làm, gà, vịt, cá làm sẵn đã đành, đến thịt cũng thái sẵn, cua làm sẵn… nên càng ngày càng thiếu hiểu biết.

Và hậu quả là ai dọa cái gì cũng sợ, cũng tin. Con vắt bảo là con đỉa cũng tưởng thật. Đồn có đỉa trong bim bim cũng tin.

Cuộc sống vốn đã có lắm nỗi phải lo lắng, khiếp sợ: Thiên tai, thảm họa, bệnh tật, môi trường ô nhiễm, tệ nạn xã hội, thức ăn nhiễm đủ thứ hóa chất độc hại… đủ thứ phải lo, phải sợ.

Vậy mà nhiều người lại cứ nhân cái nỗi sợ đó để đưa lên những thông tin nghe đã phát khiếp, để hù dọa thêm cho những người vốn đã bão hòa với những nỗi khiếp sợ.

Tôi nghĩ, mỗi người cần phải trang bị những kiến thức cơ bản nhất về cuộc sống xung quanh mình để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò dọa dẫm này, để mỗi lần đọc một thông tin rùng rợn ta biết đâu là sự thật đâu là sự nói quá, biết nên tin bao nhiêu phần trăm…

          Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top