VASEP: Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT chưa thực tế, thêm gánh nặng?

VASEP phản ánh nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường 2020 đang bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối xử bất công, chi phí đắt đỏ cho cả DN nhỏ?

Theo VASEP, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo) đã được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định vào tuần cuối tháng 9/2021.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Dự thảo còn quy định bất hợp lý vì đánh giá tác động môi trường, tỉ lệ tái chế và chi phí tái chế, quy định về quan trắc môi trường tự động… được áp dụng không hợp lý, thiếu cơ sở khoa học.

vasep: dự thảo nghị định hướng dẫn luật bvmt chưa thực tế, thêm gánh nặng?

Với Dự thảo mới, doanh nghiệp phải đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng mỗi một hệ thống, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc

Đáng chú ý, Dự thảo đưa ngành chế biến thủy sản vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”.

Tức là, ngành thủy sản sẽ phải chịu những điều kiện và yêu cầu khắt khe trong quản lý môi trường không cần thiết, làm tăng chi phí và giá thành của doanh nghiệp.

Yêu cầu này sẽ khiến quy mô và số lượng lớn gần 100% các nhà máy, bao gồm rất nhiều các nhà máy nhỏ, phải thực hiện và phải đầu tư hệ thống quan trắc với chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa.

Cụ thể, đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng mỗi một hệ thống, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc.

Điều đáng nói, hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác.

Trong khi, về khí thải thì đa số nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam làm hàng đông lạnh, chỉ có một số ít nhà máy chế biến thủy sản có công đoạn gia nhiệt (nhà máy đồ hộp, nhà máy sản xuất hàng chín như chả cá, tôm luộc, tôm bao bột,...) có sử dụng lò hơi. Còn các nhà máy chế biến thực phẩm khác như sản xuất bánh kẹo, sữa, cà phê hòa tan… đều sử dụng và có khí thải.

Nước thải nhà máy chế biến thủy sản chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Về chất thải rắn trong quá trình chế biến thủy sản chủ yếu là các phế liệu từ thủy sản như xương cá, da cá, mỡ cá, vỏ tôm, đầu tôm, vỏ ngao, sò... hoặc một số túi nilông, bao bì cactông... Các phế liệu thủy sản đa phần được các cơ sở bên ngoài thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như sản xuất thức ăn chăn nuôi, dầu biodiesel, collagen…

Bất cập, trùng lắp, không hiệu quả?

VASEP cũng cho biết, nhiều quy định, phương thức, tiêu chí được đưa ra từ các nước tiên tiến, hiện đại đang được “áp” sang một đất nước đang phát triển gắn liền với nông nghiệp, nông thôn đang có nhiều bất cập là nội dung VASEP và các hiệp hội đồng kiến nghị khi chúng ta đang cần thời gian và lộ trình để đáp ứng.

Cụ thể, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp giấy phép môi trường (GPMT), thì Dự thảo mới yêu cầu các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin cấp GPMT...

Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả... Chưa thực tế, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Các Hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng điều này đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ chỉ đạo: “Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định….

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân”, VASEP đánh giá.

VASEP cũng cho rằng, DN quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch khi được gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí...

Theo www.baogiaothong.vn
back to top