Vào khu phong tỏa lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Giảng viên và học viên của Đại học Y Dược TPHCM lần lượt đến TP Thủ Đức để hỗ trợ lấy mẫu cộng đồng. Công việc không quá vất vả như chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến, nhưng, đây cũng là một trong những trách nhiệm quan trọng.

Sợ nhưng vẫn sẵn sàng tham gia

Tất cả các thành viên trong đoàn đều có mặt tại trường từ lúc 6h sáng để nhận đồ bảo hộ, các vật dụng cần thiết và thực phẩm dùng trong ngày. Hơn phân nửa thành viên tham gia là các bạn sinh viên đầy năng nổ và nhiệt huyết.

Mọi người tập trung vào sáng sớm để làm công tác chuẩn bị.

Mọi người tập trung vào sáng sớm để làm công tác chuẩn bị.

Nhiều bạn chỉ mới tham gia lần đầu, lo lắng sợ mình sẽ mang virus về nhà lây lan cho người thân. Thậm chí có bạn còn lên hẳn kế hoạch sẽ cách ly trong phòng riêng một tuần, dù cho kết quả kiểm tra sau khi đi về là âm tính. Nghe loáng thoáng câu chuyện của mọi người trong buổi sớm, tôi cảm thấy tự hào vì sinh viên của mình không chỉ giỏi trong việc học, mà còn rất can đảm và luôn sẵn sàng trong công tác xã hội nữa.

Đúng 7h, mọi người tập trung lên xe, mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và tấm kính chắn giọt bắn. Tôi và các anh chị lớn tuổi trong đoàn bắt đầu chia sẻ một số kinh nghiệm để thực hiện thao tác lấy mẫu hiệu quả và không bị lây nhiễm. Mặc dù không phải là lần đầu mặc đồ bảo hộ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm quen lại với cảm giác nóng và đổ mồ hôi liên tục. Xe lăn bánh qua những đường phố quen thuộc, nhưng nay vắng vẻ hơn mọi ngày rất nhiều vì dịch bệnh.

Mặc dù không phải là lần đầu mặc đồ bảo hộ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm quen lại với cảm giác nóng và đổ mồ hôi liên tục.

Mặc dù không phải là lần đầu mặc đồ bảo hộ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm quen lại với cảm giác nóng và đổ mồ hôi liên tục.

Khoảng 8h, xe bắt đầu đi qua trạm kiểm soát của khu phong toả, hai bên đường dây giăng khắp các lối đi. Điểm lấy mẫu nằm tại một trường mầm non trong địa bàn TP Thủ Đức. Việc đầu tiên là chúng tôi gặp mặt và trao đổi với các cán bộ tại địa phương. Theo dự trù, chúng tôi phải lấy tổng cộng khoảng 3.000 mẫu trong khung thời gian từ sáng đến chiều.

Phối hợp với nhân lực tại chỗ, chúng tôi có tổng cộng 3 đội theo nhiệm vụ. Đội thứ nhất là các nhân viên tại phường, phụ trách bàn ghi phiếu thông tin và điều phối người dân lần lượt vào khu lấy mẫu theo trật tự để tránh lây nhiễm chéo xảy ra. Đội thứ hai là các anh hải quân tình nguyện, sắp xếp người dân thành từng nhóm 3 người để tiến hành lấy mẫu gộp. Đội thứ ba chính là các nhân viên y tế trong đoàn, trực tiếp lấy mẫu và đọc kết quả cho người dân.

9 bàn lấy mẫu được thực hiện liên tục để người dân không phải chờ.

9 bàn lấy mẫu được thực hiện liên tục để người dân không phải chờ.

Tổng cộng cả đội chia làm 9 bàn lấy mẫu, mỗi bàn gồm một bác sĩ lấy dịch tỵ hầu và một sinh viên thao tác test nhanh tại chỗ.

Do thực hiện tầm soát ca bệnh trong cộng đồng nên chúng tôi thực hiện phương pháp gộp 3 người dân vào một mẫu test nhanh. Sau 15 phút, nếu kết quả âm tính, cả 3 người trong mẫu gộp đều an toàn. Nếu kết quả dương tính, sẽ tiến hành giải gộp bằng cách test riêng từng người để xác định đúng đối tượng nghi ngờ nhiễm virus và bàn giao lại cho địa phương xử lý.

Công việc được tiến hành khá trôi chảy, người dân không phải chờ đợi lâu. Ai đến lấy mẫu sẽ đi vào bằng một đường và ra về bằng một lối khác. Nếu kết quả nghi ngờ, người dân sẽ được bố trí phòng cách ly tạm thời ngay tại chỗ.

Bác sĩ lấy dịch tỵ hầu cho người dân trong khu phong tỏa.

Bác sĩ lấy dịch tỵ hầu cho người dân trong khu phong tỏa. 

Chúng tôi đều cố gắng thao tác nhẹ nhàng khi đưa tăm bông đi qua khe mũi dưới để lấy dịch tỵ hầu, không để tổn thương hay gây đau cho người đến lấy mẫu.

Nhân viên lấy mẫu sẽ đứng bên hông người dân để tránh quá trình lấy mẫu có thể gây ho, hắt hơi làm lây lan virus cho các thành viên trong đội. Cứ như vậy,  3 đội phối hợp rất ăn ý với nhau. Giữa trưa trời nắng nhưng ai cũng làm việc vui vẻ bên trong bộ bảo hộ phải nói là rất nóng nực. Thỉnh thoảng, tôi phải kiểm tra lại tổng số bộ kit test còn lại của cả 9 nhóm vì số người dân đến rất đông vượt quá dự trù ban đầu.

Tiến hành chạy kết quả test nhanh tại chỗ trong 15 phút.

Tiến hành chạy kết quả test nhanh tại chỗ trong 15 phút.

Đến gần 12h, tôi hẹn người dân lại đầu giờ chiều để cả nhóm ăn trưa và nghỉ ngơi. Cả buổi sáng phải nhịn nước, nhịn đi vệ sinh, mồ hôi tuôn ra như tắm, cởi bộ bảo hộ ra mà ai cũng cảm thấy dễ chịu đến khó tả. Ăn vội vàng hộp cơm do địa phương mang đến, chúng tôi ngả lưng giữa những cơn gió mát phía tầng trên khu vực lấy mẫu.

Mọi người lại thay bộ bảo hộ mới và bắt đầu công việc đến 16h chiều. Công việc kết thúc, các đội đều khá mệt mỏi vì trời nóng và vì số lượng mẫu quá nhiều. Tuy nhiên, công việc đều suôn sẻ, phát hiện thêm được một số ca dương tính. Các ca này sẽ được y tế địa phương kiểm tra lại lần nữa bằng test PCR đo tải lượng virus, giúp đánh giá xem có cần đưa đi cách ly tập trung hay không.

Trong một ngày, các y bác sĩ đã lấy hơn 3.000 mẫu xét nghiệm.

Trong một ngày, các y bác sĩ đã lấy hơn 3.000 mẫu xét nghiệm. 

Những trải nghiệm thực tế về tình hình dịch

Ban chỉ đạo tại địa phương cảm ơn đoàn rất nhiều vì sự có mặt đúng giờ và quy trình làm việc rất khoa học của cả nhóm chúng tôi. Những gì trong khả năng chúng tôi đều đã cố gắng hết sức để vừa hoàn thành công việc theo khung thời gian, vừa đảm bảo sự an toàn cho tất cả các thành viên trong đoàn. Chúng tôi lên xe về lại điểm xuất phát khi trời đã chập tối. Ngày hôm sau, cả đoàn được kiểm tra lại cẩn thận tình hình sức khỏe và không có vấn đề gì xảy ra với các thành viên.

Hành trình vào khu phong toả trong một ngày đã giúp cả đoàn có được những trải nghiệm thực tế về tình hình dịch trong cộng đồng, hiểu được phần nào những cảm xúc và suy nghĩ của người dân. Họ chưa đủ kiến thức để hiểu biết về bệnh tật, chỉ thu nhặt từng mảng vụn thông tin qua truyền miệng hoặc báo đài. Do đó, tâm trạng của họ lúc nào cũng đứng giữa hai nỗi sợ: vừa sợ bệnh nguy hiểm, lại vừa sợ cái đói nghèo lan đến.

Họ chỉ đang làm những công việc rất đời thường của người nhân viên y tế, mong được đóng góp công sức ít ỏi của mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Họ chỉ đang làm những công việc rất đời thường của người nhân viên y tế, mong được đóng góp công sức ít ỏi của mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Những ai chưa từng hoặc chưa nghĩ sẽ đến lúc mình phải ngồi bên trong những chiếc xe cấp cứu hú còi inh ỏi, liệu có mấy người đồng cảm? Bước lên xe mà tâm trạng ngổn ngang, rồi mình sẽ ra sao, rồi người ở lại sẽ thế nào, rồi tiền đâu để bước tiếp mưu sinh cho những tháng ngày sau đó...

Tất nhiên, vẫn có những vòng tay của xã hội luôn bên họ, nhưng cuộc đời này, mình phải tự đứng vững trên đôi chân của mình mới cảm thấy an toàn, chứ cứ trông đợi nơi đôi chân người khác, sợ hãi lắm...

Dù không phải là những chiến sĩ thực thụ vì chúng tôi không được đào tạo để làm điều đó. Chúng tôi chỉ đang làm những công việc rất đời thường của người nhân viên y tế, mong được đóng góp công sức ít ỏi của mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi cũng hy vọng có thể góp một phần để giúp người dân hiểu ra và bước qua nỗi hoảng loạn, sợ hãi.

Xin hãy đừng nói những lời nặng nề, đừng dè bỉu, đừng khinh miệt, đừng kỳ thị nhau khi thấy có ai đó bị nhiễm và được đưa đi, bởi có khi ngày nào đó chúng ta cũng sẽ phải ngồi lên những chiếc xe cứu thương đó...

Ngày nào đó, dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng những ngày tháng được sát cánh bên nhau giữa tâm đại dịch có lẽ sẽ là những kỷ niệm khó phai trong lòng tất cả chúng tôi. Mong rằng tất cả mọi người đều nhận được sự bình an, yêu thương và lan truyền năng lượng tích cực đến cho nhau, cùng nhau bước qua giai đoạn khó khăn của đất nước.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
back to top