VAMA xin chậm thuế, giảm phí trước bạ

(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội Các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản trình Chính phủ về những khó khăn mà ngành ô tô Việt Nam đang gặp phải. Trong bản kiến nghị này, ngoài việc xin giãn thuế, gia hạn nộp thuế, VAMA còn xin giảm  phí 50% trước bạ cho khách mua xe.

Theo công văn của VAMA trình Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gặp khó khăn, thị trường giảm sút. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung cho các vật tư linh/phụ kiện vẫn đang được duy trì ở mức tạm ổn định. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều quốc gia sẽ ban bố tình trạng báo động, phong toả các khu vực hoặc toàn quốc, dẫn tới việc nhập khẩu linh/phụ kiện và hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong nhiều đề xuất của VAMA trình Chính phủ, hiệp hội kiến nghị Nhà nước giãn thời gian nộp thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho DN trong các tháng từ tháng 3 - 9/2020; giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu theo quý trong năm 2020; giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN...

Tổ chức này chỉ ra rằng, hiện dự báo cho thấy lượng xe bán ra cả năm 2020 có thể giảm hơn năm trước đến 15%. Song song đó, hoạt động dịch vụ sau bán hàng cũng đang giảm gần 40%, nhiều khả năng còn giảm hơn nữa. Vì vậy, trong đề xuất của mình, VAMA mong muốn Chính phủ cân nhắc giảm 50% phí trước bạ, 50% thuế suất thuế Giá trị gia tăng cho khách hàng mua xe để "kích cầu tiêu dùng".

Theo quy định, phí trước bạ áp dụng lần đầu với ô tô cá nhân hiện nay từ 10 - 12%, tùy địa phương. Lệ phí trước bạ được tính khi khách hàng mua xe và đăng ký lưu hành xe. Với xe đã qua sử dụng, mức lệ phí trước bạ sẽ được tính dựa trên các khấu hao, "đời" xe, giá bán thực tế...

Lâu nay, nhiều hãng xe thường tổ chức khuyến mại cho khách mua xe, trong đó có hỗ trợ phí trước bạ, tức là chia sẻ phần phải đóng này cùng khách mua xe. Việc hỗ trợ phí trước bạ từ lâu được coi là nằm trong chính sách bán hàng của DN. Việc "xin" giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua xe của VAMA là động thái đá quả bóng chi phí từ DN sang Chính phủ.

Trong thời điểm nhạy cảm do dịch bệnh gây ra, cơ quan quản lý nhà nước có thể sẽ điều chỉnh nhiều loại thuế, phí; bình ổn nhiều mặt hàng nhằm giảm áp lực lên hệ thống DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Các DN kinh doanh, sản xuất ô tô bị ảnh hưởng bởi đại dịch đề xuất hỗ trợ là đúng nhưng không vì thế mà dồn tất cả khó khăn về phía Nhà nước.

Theo Đời sống
back to top