Vải thiều Bắc Giang không cần “giải cứu”, nên điều chỉnh khẩu hiệu bán hàng

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã phải có công văn gửi Cục Báo chí, yêu cầu Cục đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ “giải cứu” khi nói về hỗ trợ tiêu thụ vải cho tỉnh.

Khi câu chữ làm hại nông dân

Công văn ngày 31/5 của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bày tỏ cảm ơn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn, các cơ quan thông tấn, báo chí cùng với nhân dân cả nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ về vật chất và tinh thần giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, văn bản này cũng đề nghị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong cả nước tiếp tục quan tâm tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang. Trong đó nhấn mạnh: "không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng”.

Thậm chí, “sau khi có các tin, bài, phóng sự… có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân", nội dung văn bản nêu rõ.

Văn bản trên một phần đánh động các cơ quan báo chí phải kiểm soát câu chữ trong đưa tin bài, một phần phản ánh thực trạng thị trường hiện nay đang được định hướng chưa đúng.

“Giải cứu nông sản” có nghĩa là nông sản không thể tiêu thụ được nữa, hay hiểu cách khác là cung vượt quá cầu, thị trường không thể hấp thụ, tồn đọng một lượng lớn có nguy cơ hỏng, lãng phí. Lúc đó mới cần cả xã hội chung tay tiêu thụ, gọi là “giải cứu”.

Tuy nhiên, với vải thiều Bắc Giang hiện nay, cung còn không đủ cầu, không rõ tại sao lại cần giải cứu?!

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm nay 2021, tỉnh đã có 28.000ha trồng vải, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Vải chín sớm ước đạt 45.000 tấn. Trong đó, có 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng (ước đạt 2.700 tấn cho các thị trường khó tính).

Trong đó, Hoa Kỳ, EU đều là những thị trường khó tính, nhưng vải thiều đã chinh phục từ lâu. Sản lượng xuất khẩu hằng năm đều giữ ổn định, các vùng trồng được định mã và không còn lo đầu ra của sản phẩm.

Tại thị trường Nhật Bản, hiện nay, đã có 70 tấn vải xuất khẩu và lên kệ tại các siêu thị ở Nhật với giá 350.000 – 500.000đ/kg. Đáng chú ý, nhu cầu vải thiều tại nước này đang tăng cao. Bằng chứng là cơ quan chức năng nước này mới chấp nhận thêm 2 cơ sở của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ được xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) dự kiến năm nay sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều được nhập khẩu vào Nhật Bản.

Tại Trung Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam. Giá thu mua vải cũng ở mức cao, từ 70.000 – 110.000đ/kg ngay tại vùng biên giới. Tính đến nay, Bắc Giang đã xuất khẩu được hơn 4.000 tấn vải chính ngạch sang thị trường này.

Giá cao hơn kỳ vọng?

Số liệu từ UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, đến ngày 30/5, tỉnh này đã xuất khẩu được 4.395 tấn vải thiều. Lưu ý đây chỉ là vải thiều đầu vụ, và sản lượng đầu vụ cũng chưa nhiều. Do đó, với số lượng xuất khẩu này, có thể nói là không hề ít.

Tuy nhiên, so với các năm trước, lượng xuất khẩu này có giảm. Nguyên nhân do những khó khăn trong quá trình vận chuyển vải đi lên các cửa khẩu, như quá trình xét nghiệm, khử khuẩn các đoàn xe vận tải khi qua các tỉnh bạn, chính sách hạn chế thông quan của nước bạn...

Trước đó, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã có công văn đề nghị Chính phủ và các tỉnh có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải, chủ yếu là tạo điều kiện để xe chở các mặt hàng nông sản của tỉnh được thuận lợi thông qua, vận chuyển đến các thị trường tiêu thụ. Công văn này không hề đề nghị “giải cứu”.

Đối với thị trường trong nước, vải hiện nay cũng đang kỳ được giá. Khảo sát giá tại các các sàn thương mại trực tuyến như Lazada, Voso, giá vải dao động ở mức từ 40.000 – 80.000đ/kg tùy loại. Tại các siêu thị như BigC, Vinmart hay các chợ dân sinh, giá vải Bắc Giang cũng ở quanh mức 40.000 – 50.000đ/kg. Mức giá này tương đương và thậm chí có phần cao hơn so với giá vải của những năm trước.

Cũng theo số liệu từ UBND tỉnh Bắc Giang, đến ngày 30/5, lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 9.993 tấn. Giá bán bình quân 22.000 - 32.000đ/kg, giá bán thấp nhất là 12.000đ/kg, cao nhất là 55.000đ/kg.

Rõ ràng, với mức giá bình quân ở 22.000 – 32.000đ/kg ngay tại Bắc Giang, thì giá vải đưa đến các địa phương khác, như Hà Nội, sẽ phải tăng thêm phần chi phí vận chuyển, hỏng… Do đó, giá vải không dưới 40.000đ/kg,

Hơn nữa, giá vải ở Bắc Giang trung bình là 22.000 – 32.000đ/kg là ở mức cao, có nghĩa là nhu cầu thị trường vẫn còn nên mới neo được ở mức giá này.

Vậy, không rõ các điểm chăng băng rôn “giải cứu vải thiều Bắc Giang” bán vải giá 20.000đ/kg là dựa vào đâu để định giá vải này?!

Lưu ý rằng, các điểm “giải cứu” này đều là tự phát, hoặc do các nhóm thiện nguyện mở và gần như cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Bởi một xe vải chỉ 3 – 5 tấn, kêu gọi người dân giải cứu trong vài giờ và lưu động, thì khó để lực lượng quản lý thị trường đến để xác minh nguồn gốc.

Hơn nữa, với danh nghĩa “giải cứu”, tâm lý người dân chủ yếu là ủng hộ, nên việc thông báo với cơ quan chức năng để tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa gần như không có.

Trong khi đó, ngoài Bắc Giang và Hải Dương là những địa phương nổi tiếng về vải, nhiều địa phương khác có địa hình đồi núi cũng có thể trồng được vải. Tất nhiên, chất lượng của vải từ các địa phương này không thể so sánh với vải của Hải Dương hay Bắc Giang.

Ngoài ra, cần lưu ý, hiện nay việc ra vào tỉnh Bắc Giang đang bị kiểm soát ngặt nghèo do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nên các xe riêng lẻ có thể vào tận vườn thu mua để “giải cứu” vải thiều là điều rất khó hiểu. Còn đối với các thương lái, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, xu hướng là tập hợp và đánh hàng số lượng để hạn chế rủi ro đo dịch bệnh mang lại.

Theo Đời sống
Có nên mua sạc dự phòng 47.000 đồng?

Có nên mua sạc dự phòng 47.000 đồng?

Sạc dự phòng là phụ kiện cần thiết, giúp “giải cứu” smartphone hết pin bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mua loại nào chất lượng tốt là việc nên tìm hiểu kỹ.
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top