“Văcxin” nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua dịch bệnh Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang khiến các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản… Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp (DN) quy mô vừa và nhỏ.

Lao đao với dịch bệnh

Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TPHCM. Không ít DN trên địa bàn TPHCM vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ những đợt dịch trước, nay lại tiếp tục gánh chịu thiệt hại. 

Ông Trần Điệp Bảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Banana (quận 11) cho biết: "Đến đầu năm 2021 (sau Tết Nguyên đán), thấy tình hình dịch bệnh tạm lắng, chúng tôi quyết định thành lập công ty, thuê mặt bằng và tuyển dụng nhân viên. Nhiều kế hoạch làm việc với các đối tác ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thực hiện. Khi chuẩn bị triển khai dự án với đối tác thì đợt dịch lần thứ 4 ập đến, làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của chúng tôi".

Cũng theo ông Bảo, từ 0h ngày 31/5, công ty của ông phải tạm ngưng hoạt động (vì có hơn 50% nhân viên sống trên địa bàn quận Gò Vấp) để đảm bảo an toàn phòng dịch cho các thành viên trong công ty và cộng đồng. Hiện nay, xung quanh khu vực công ty trú đóng đã phát sinh thêm nhiều ổ dịch và UBND TPHCM cũng đã ban hành quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Công ty ngưng hoạt động nhưng nhiều chi phí vẫn phải chi trả như tiền mặt bằng, điện, nước và phụ cấp lương cho nhân viên… đang là thách thức lớn.

Còn ông Dương Nhật Trường, Giám đốc Công ty TNHH DNT Feed (kinh doanh nông sản trên địa bàn quận Bình Tân) cho hay, ở thị trường trong nước do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty bị giảm nhiều đơn hàng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy bia, do phía đối tác chỉ sản xuất cầm chừng. Đối với thị trường xuất khẩu nông sản, dịch bệnh vẫn đang tiến triển phức tạp nên nhiều quốc gia phải gia hạn lệnh phong tỏa, ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu tiêu thụ. 

“Mới đây, các hãng tàu đã thông báo giá cước đi châu Âu sẽ tăng lên 19.000USD/container 40 feet vào cuối tháng 6/2021. Trong khi đó, đầu tháng 5, một container 40 feet xuất đi châu Âu chỉ có giá 10.000USD. Giá cước tăng cao, càng làm thì càng lỗ”, ông Trường chia sẻ.

Trong lĩnh vực vận tải du lịch, ông Trần Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Vận tải Công Minh (quận 4) cho biết: "Công ty chúng tôi có 6 xe limousine, trước đây thường kín lịch cho thuê theo hợp đồng vận tải thì nay chỉ hoạt động cầm chừng. Tôi mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để công ty hoạt động ổn định trở lại".

Do tác động của dịch bệnh, DN này đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/6/2021.

Do tác động của dịch bệnh, DN này đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/6/2021.

Cần "hồi sức” cho doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, DN đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng. Chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.

Theo ông Dũng, nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán online… nhưng đều đang kẹt về vốn. Các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét, mức độ hấp thụ của DN rất thấp. Do vậy, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52, khắc phục các rào cản của các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Cùng với đó, ngân hàng cần xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh...

Còn theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM (FFA), các DN "đang như đứng trên đống lửa" vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tăng cao.

Đại diện FFA đưa nhiều kiến nghị với lãnh đạo TPHCM, mong gỡ khó cho DN. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sớm bổ sung các DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... Đồng thời, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% với những DN đang làm ăn có uy tín. 

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của DN thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng. Bởi thông qua nguồn vốn đó có thể giúp DN có thể tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, chúng ta cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Theo Đời sống
back to top