Văcxin là điều kiện sống còn của doanh nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Các doanh nghiệp đều cho rằng, để duy trì hoạt động, giải pháp căn cơ nhất là tiêm nhanh, tiêm ngay văcxin cho người lao động khu vực sản xuất, vận tải, chuỗi cung ứng. Chi phí tiêm văcxin chắc chắn thấp hơn thiệt hại đến từ việc doanh nghiệp bị mất đơn hàng, đóng cửa, thậm chí là phá sản.

2 mũi tiêm có thể thay thế 3 tại chỗ

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may phải đóng cửa. Số ít duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến" cũng cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được đơn hàng. Việc giao hàng chậm, phải giao hàng bằng đường hàng không và bị khách hủy đơn hàng là rất lớn.

Chủ tịch Vitas cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch, bảo đảm thu nhập cho người lao động và hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác văcxin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là cấp bách.

Chính phủ, Bộ Y tế cần ưu tiên tiêm văcxin cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, lái xe... Việc này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành sản xuất, logistics, vì họ là những mắt xích quan trọng giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, ông Giang cho biết và đề nghị "DN sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng".

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược văcxin phòng Covid-19. Và bằng cách nhanh nhất bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực DN FDI được tiêm. Đồng thời duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các DN FDI. Cuối cùng là tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh…

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, tâm lý của người lao động bị ảnh hưởng do thời gian ở lại nhà hoặc xưởng quá dài, trong khi dịch bệnh vẫn phức tạp, người nhà vẫn bị phong tỏa, cách ly... dẫn đến năng suất lao động thấp, dù doanh nghiệp đã bằng mọi cách trấn an.

Do đó, cần một phương án sản xuất mới phù hợp hơn với doanh nghiệp. Ông Việt đề xuất, doanh nghiệp sẽ chủ động chịu trách nhiệm về phòng ngừa dịch bệnh và phối hợp xử lý khi có F0. Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng mô hình này là người lao động phải được chích 2 mũi văcxin. doanh nghiệp nào đã đạt được 2 mũi có thể áp dụng cho công nhân đi và về với những tiêu chí phòng dịch, thay vì phải "3 tại chỗ".

Về vấn đề văcxin hiện nay khó khăn, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị Chính phủ cho phép xã hội hóa công tác chống dịch, xét nghiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách. 

Mục tiêu văcxin trong nước

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 DN đang hoạt động. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, khiến cho những mảng “màu xám” loang rất nhanh trong khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng gặp khó hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn kiệt, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, hoặc phục hồi chậm.

Đặc biệt, dịch đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước. Do vậy, văcxin là phương án phòng chống dịch hiệu quả trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo duy trì sản xuất an toàn.

Theo Bộ Công Thương, Bộ Y tế nên đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm văcxin, đặc biệt là các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm điện tử, dệt may, da giầy, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp tìm được nguồn cung văcxin từ nước ngoài, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng văcxin, các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Thông tin những ngày gần đây cho thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp văcxin và đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều văcxin. Trong tháng 8/2021 có thêm khoảng 3 triệu liều văcxin về Việt Nam, tuy nhiên con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TPHCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP Hà Nội. Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều văcxin  được nhập về.

Trong bối cảnh nguồn cung văcxin trên toàn cầu rất khan hiếm từ nay đến tháng 9, phải tiếp cận, mua văcxin một cách bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể, đồng thời tổ chức điều phối phù hợp với tình hình. Thủ tướng Nguyễn Minh Chính nhiều lần khẳng định, chiến dịch tiêm chủng văcxin miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược văcxin, trong đó phải thúc đẩy hợp tác công - tư, đẩy mạnh tiêm văcxin theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính, đảm bảo tiêm văcxin cho người lao động để sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất văcxin trong nước và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng văcxin miễn phí cho người dân. Việc sản xuất văcxin trong nước là “phải bàn và làm bằng được”. Mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có văcxin tự mình sản xuất. 

Theo Đời sống
back to top