Uống rượu, bia dịp Tết thế nào để không hại sức khỏe?

Rượu, bia là đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay... đặc biệt là trong dịp lễ, Tết. Vào những ngày này, lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc cũng gia tăng.

Tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nồng độ một số chất béo trong máu dẫn đến tích tụ chất béo trong thành động mạch, có thể làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim và đột quỵ.

Uống rượu quá mức còn có thể gây rối loạn ngôn ngữ, mất kiểm soát hành vi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não... Lâu dài có thể gây cao huyết áp, bệnh lý cơ tim, rối loạn nhịp tim và thậm chí tử vong do ngộ độc rượu. Ngoài ra, rượu làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như béo phì, ung thư vú, bệnh gan, trầm cảm...

ruou-bia-tet(1).jpg
Hãy biết từ chối rượu bia để tốt cho sức khỏe.

Uống từ 5 ly trở lên trong 2 giờ đối với nam hoặc 4 ly trở lên đối với nữ có nguy cơ cao mắc rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, có thể hình thành cục máu đông gây đột quỵ và suy tim.

Uống nhiều rượu có thể làm động mạch lão hóa sớm theo thời gian, đặc biệt là ở nam giới. Thêm nữa, tất cả lượng calo tăng thêm từ việc uống rượu có thể dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Một cốc bia hoặc rượu vang thường chứa khoảng 100 - 150 calo. Một ly cocktail có thể dao động từ 100 đến gần 500 calo, tùy vào thành phần. Nếu bạn uống rượu, hãy nhớ đưa nó vào kế hoạch bữa ăn của bạn để không nạp nhiều calo hơn mức cần thiết. Sử dụng rượu có thể làm tăng những nguy cơ về bệnh dạ dày.

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn nào, hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ về tương tác các thuốc đó với rượu.

Rượu vang có thực sự tốt cho sức khỏe?

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, các nghiên cứu đã chứng minh việc uống rượu nhẹ hoặc lượng vừa đủ có mối liên kết với tình trạng sức khỏe tốt và tỷ lệ tử vong giảm. Một số nhà nghiên cứu gợi ý rượu vang có lợi sức khỏe như rượu vang đỏ và một ly mỗi ngày có thể là tốt cho tim mạch.

ruou-bia-tet1(1).jpg
Hội Tim mạch Hoa Kỳ không khuyến khích uống rượu vang hoặc bất kỳ loại rượu nào khác nhằm mục tiêu lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, các thành phần trong rượu vang đỏ như flavonoid và các chất chống oxy hóa khác có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng chúng cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác như nho hoặc nước ép nho đỏ hoặc quả việt quất.

Tác dụng tích cực đối với sức khỏe được biết đến nhiều nhất của rượu là làm tăng nhẹ HDL hay còn gọi là cholesterol tốt. Nhưng hoạt động thể chất thường xuyên là một cách hiệu quả hơn để tăng HDL cholesterol.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ không khuyến khích uống rượu vang hoặc bất kỳ loại rượu nào khác nhằm mục tiêu lợi ích cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy thực hiện các cách để giảm cholesterol, kiểm soát huyết áp cao, quản lý cân nặng, hoạt động thể chất đầy đủ, tránh xa thuốc lá và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh.

Lượng rượu, bia vừa đủ là quan trọng nhất

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, nếu bạn chưa uống, đừng nên bắt đầu. Nếu thỉnh thoảng bạn thích nhâm nhi một ly rượu, một ly bia hay một ly cocktail, hãy ghi nhớ phải điều độ để bảo vệ sức khỏe.

Uống rượu với lượng vừa đủ có nghĩa là trung bình 1 - 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ.

Các loại bia, rượu và các loại khác có chứa lượng cồn khác nhau. Nhưng nói chung, đơn vị một ly được tính là:

1. Một cốc bia loại thông thường khoảng 355ml.

2. Một cốc rượu vang khoảng 148ml.

3. Một chén khoảng 44ml rượu mạnh (khoảng 40 độ), chẳng hạn như rượu bourbon, vodka hoặc gin.

Một số người hoàn toàn không nên uống như phụ nữ đang mang thai hoặc đang muốn mang thai, người dưới 21 tuổi và một số tình trạng sức khỏe khác.

“Để khỏe mạnh và trường thọ, cần chọn thời điểm uống rượu, bia cho phù hợp. Đối với nam giới: Không nên uống rượu, bia vào buổi sáng vì dương khí đang vượng. Nếu uống rượu, bia vào lúc này sẽ làm tổn thương dương khí, người chóng già, hay sinh bệnh tật. Buổi trưa nên uống bia, buổi tối mới uống rượu. Vì nếu uống bia vào buổi tối, lượng nước trong cơ thể quá nhiều, buổi tối dương khí kém hơn âm khí, nếu đi tiểu nhiều, dương không đủ để khống chế âm nên dẫn đến rối loạn cương dương, có khi liệt dương.

Khi đã ăn no rồi thì không nên uống rượu. Trong Đông y, vị (dạ dày) thuộc dương, rượu, bia nóng cũng thuộc dương, nếu một lúc dạ dày chứa nhiều dương khí lâu ngày dễ dẫn đến viêm loét, sinh ra chứng đau dạ dày. Đối với các loại rượu thuốc nên uống vào buổi tối trước khi ăn, hoặc vừa ăn, vừa uống, không nên uống vào lúc khác”.

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam

Theo Đời sống
back to top