Uống chè xanh đúng cách

Với thành phần là những hóa chất tự nhiên rất tốt, chè xanh có thể được xem như một thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, thậm chí uống chè xanh thường xuyên còn giúp ngăn ngừa ung thư.

Uống chè xanh nhiều lợi ích sức khỏe

Tuy nhiên, theo Ths Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ Viện Dược liệu, để phát huy những tác dụng tốt của chè xanh, cần hiểu rõ về lá chè xanh và có chế độ sử dụng hợp lý.

Về dược lý học, chè có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, định thần làm cho đầu não được thư thái, khỏi chóng mặt xây xẩm, da thịt mát mẻ, bớt mụn nhọt và cầm tả lỵ. Chè xanh có được những tác dụng này là nhờ trong thành phần hóa học của lá chè có nhiều vitamin C, E và vitamin nhóm B, các dẫn xuất polyphenolic (flavonoid, catechol, tannin), alkaloid là cafein, theophyllin, theobromin, xanthin; là những chất có tác dụng tích cực đối với sức khỏe, làm tăng sức đề kháng, hạn chế lão hóa, giảm nguy cơ gây ung thư, giảm kích thước khối u, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, giảm huyết áp, tăng độ bền vững thành mạch; ngoài ra còn có tác dụng kháng viêm, chống sâu răng, hôi miệng…

Vì hàm lượng các dưỡng chất quí trong chè xanh không cao nên nhiều người cho rằng càng uống nhiều càng tốt, để hấp thu được các chất này nhiều hơn. Tuy nhiên, quan điểm đó là sai lầm. Uống quá nhiều chè xanh hoặc thậm chí thường xuyên uống nước đặc có thể gây nhiễm độc mãn tính.

Nguyên nhân là do trong nước chè đặc có tương đối nhiều chất nhu, ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá như làm loãng dịch vị; khiến niêm mạc dạ dày co lại; làm chất protein trở nên rắn và lắng xuống. Ngoài ra, chất nhu còn có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1 của cơ thể. Nếu kéo dài sẽ sinh bệnh thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin B1. Tốt nhất, chỉ nên uống loãng vừa phải, uống thường xuyên mỗi ngày giúp cung cấp cho cơ thể các chất tốt cho sức khỏe một cách đều đặn.

Không uống chè xanh vào lúc đói, chất tanin dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều chất chua, làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống chè xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị, gây cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu mà chúng ta thường gọi là “say chè”. Cũng không nên uống trà ngay sau khi ăn cơm. Vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng. Hơn nữa, nước chè cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt. Vì vậy, nếu muốn uống trà, bạn hãy đợi nửa giờ sau bữa ăn.

An Lê

Theo Đời sống
back to top