Ươm cổ thụ trước khi trồng

(khoahocdoisong.vn) - Tôi muốn đầu tư trồng cây cổ thụ trong vườn nhà, xin hỏi cách chọn trồng cổ thụ thế nào để an toàn, tránh gãy đổ?

Hỏi: Tôi muốn đầu tư trồng cây cổ thụ trong vườn nhà, xin hỏi cách chọn trồng cổ thụ thế nào để an toàn, tránh gãy đổ?

Vũ Lan Dung (Hà Nội)

TS Đặng Văn Đông, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa và cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả: Hiện có tình trạng khá phổ biến là người ta trồng mới những cây có đường kính rất to, thậm chí là rất lâu năm. Những cây này được thu mua, chặt hết rễ rồi vận chuyển về thúc cho ra rễ để cây sống. Rễ cọc – bản chất là loại rễ giúp cây có thể trụ vững, bám sâu xuống đất, đã bị chặt bỏ. Như thế, cây trồng sẽ không bám chắc được xuống đất. Rễ cọc đã chặt đi thì sẽ không phát triển lại được. Rễ mới ra sẽ chỉ có rễ chùm, rất nguy hiểm nếu có giông lốc, bão.

Vây có kích thước càng lớn, càng nguy hiểm khi có gió bão. Cách tốt nhất là nên sử dụng loại cây vừa phải, không quá lớn, nhưng chắc chắn, cây sẽ phát triển nhanh và an toàn. Để trồng cây xanh, nên có kế hoạch, tránh nóng vội, đặc biệt là không nên mua những cây cổ thụ không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là nên đầu tư vườn ươm trồng trước khi đưa ra trồng chính thức. Cây trong vườn ươm giữ nguyên rễ, cây sẽ phát triển từ từ, rất bền. Việc đi thu mua các cây về để trồng rất nguy hiểm vì khả năng hồi phục rễ là rất kém, cây dễ bị đổ. Việc trồng các cây nhỏ, vừa vừa sẽ phát triển rất nhanh và an toàn hơn.

Hơn nữa, trồng cây to sẽ không có tán lá, chỉ có cành không, các chồi mọc ở lớp vỏ cây rất dễ gẫy, gây nguy hiểm. Khi trồng phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai sao cho phù hợp. Khi trồng cây mới, các cột chống phải chôn sâu xuống đất khoảng 10 – 15cm, chứ không phải để hời hợt ngay trên mặt đất. Việc trồng cây cổ thụ cần được tính toán kỹ, sau khi trồng cần được chống đỡ, gia cố chắc chắn để ổn định rễ.

Khánh Ly

Theo Đời sống
back to top