Ung thư quan trọng là xét nghiệm sớm

(khoahocdoisong.vn) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người Việt Nam mắc ung thư đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ mắc 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Tính chung cho cả 2 giới, có 5 loại ung thư hay gặp nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày, vú và đại tràng. Nam giới hay gặp nhiều là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng, vòm họng. Nữ giới hay gặp nhiều là ung thư vú, đại tràng, gan, phổi, cổ tử cung.

Chú ý dấu hiệu cảnh báo 

BS Lê Hà Phương, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trong các nguyên nhân gây ung thư, 10% do rối loạn nội tiết, di truyền; 80% do các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, hóa chất, ăn nhiều thịt ít rau. Bệnh nhân mắc bệnh đi khám hầu hết đều bỏ sót giai đoạn đầu - giai đoạn vàng của điều trị, trong khi nếu phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh chiếm tới 95%.

Ung thư hiện nay là bệnh rất phổ biến, để phát hiện bệnh, nên đi khám định kỳ hằng năm, khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào của ung thư bởi khi đã có triệu chứng như gầy, sút cân, ho khạc đờm, ho ra máu, có khối u… có khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Theo BS Lê Hà Phương, đối với bệnh ung thư vú rất phổ biến ở phụ nữ, người bệnh có thể tự khám cho mình bằng cách sờ nắn vú, sờ nắn rộng ra vùng nách, nếu thấy khối u cần đi khám ngay. Mặc dù được truyền thông về vấn đề này nhiều nhưng vẫn có chị em chưa coi trọng việc tầm soát bệnh, đến khi vú có cục, đau ở vú, núm vú chảy dịch mới đi khám thì ung thư đã xâm lấn hoặc di căn.

Do sự trẻ hóa của ung thư vú nên việc sàng lọc ung thư vú được khuyến cáo cho tất cả các phụ nữ trên 30 tuổi, đặc biệt những chị em có nguy cơ cao như gia đình nội ngoại có người bị ung thư vú; có mẹ hoặc chị em bị ung thư vú; mẹ hoặc chị em được xác định có đột biến gene BRCA1/2; bản thân người bệnh đã từng bị bệnh về vú. Sau sạch kinh 1 tuần, chị em có thể đến viện tiến hành các kiểm tra sàng lọc, phát hiện ung thư vú và việc này cần thực hiện hằng năm.

Đối với ung thư đại trực tràng, những người không có triệu chứng bệnh nhưng trên 40 - 50 tuổi, trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng. Nhóm người có có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng khi trong gia đình có một người thân huyết thống bậc một bị ung thư đại tràng trước 45 tuổi hoặc từ 2 người thân có huyết thống bậc một bị ung thư. Nhóm đối tượng này nên nội soi đại tràng mỗi năm một lần để tầm soát bệnh. Những người có tiền sử bản thân bị polyp đại trực tràng, bị ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung nên nội soi mỗi năm một lần. Những người có nguy cơ ung thư đại trực tràng rất cao khi trong gia đình có người bị đa polyp đại tràng, ung thư đại tràng không đa polyp nên nội soi đại tràng, xét nghiệm và tư vấn di truyền ngay từ thời niên thiếu.

Đối với ung thư dạ dày, đây là loại ung thư hay gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hoá. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 40 - 60, nam gấp 2 lần nữ, chẩn đoán sớm ung thư dạ dày đã được cải thiện nhờ kỹ thuật nội soi ống mềm có sinh thiết. Những người trên 18 tuổi nên khám định kỳ để sàng lọc bệnh lý về ung thư dạ dày, đặc biệt những người trong chế độ ăn thiếu rau củ, trái cây tươi, hay ăn đồ muối chua, thịt muối hoặc hun khói, ăn thực phẩm được bảo quản kém chất lượng, hút thuốc lá thường xuyên, bị viêm loét dạ dày tá tràng, tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày. 

Phối hợp nhiều xét nghiệm tìm ung thư 

Y học Việt Nam hiện nay phát triển không thua kém các nước trong khu vực, hầu hết ung thư phát hiện được bằng các xét nghiệm nhưng chưa có xét nghiệm nào đại diện, từ đó tầm soát mọi loại ung thư mà phải kết hợp nhiều xét nghiệm với nhau. Xét nghiệm ung thư chia ra làm nhiều loại, ví dụ, xét nghiệm máu với chất chỉ điểm ung thư. Khi cơ thể có khối ung thư, u tế bào ung thư tiết ra một protein đặc hiệu gọi là chất chỉ điểm ung thư (cũng có trường hợp protein được sinh ra cơ thể bị viêm nhiễm), căn cứ vào đó người ta xác định được khối u có phải ung thư hay không.

Tuy vậy, chất chỉ điểm ung thư thông qua xét nghiệm máu có độ đặc hiệu thấp, chỉ là gợi ý khi bệnh nhân có yếu tố nguy cơ ung thư cao. Tiếp đến bác sĩ chỉ định làm chẩn đoán hình ảnh, thăm do chức năng như siêu âm vú, tuyến giáp, nội soi dạ dày đại tràng, tai mũi họng, lấy tế bào cổ tử cung làm xét nghiệm HPV… Ngoài ra, có thể chụp Pet, cho bệnh nhân uống đồng vị phóng xạ có gắn đường. Khi mô cơ quan nào đó bị viêm hay có u thì khối u sẽ tăng hấp thu đường, quan  sát triên máy Spec CT sẽ phát hiện được chỗ nào khối u gắn nhiều đường nhất để xác định u hay viêm. Cũng có thể tầm soát ung thư theo cơ quan đích, giải phẫu bệnh, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm gen tìm ung thư…

Xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị ung thư tùy mỗi loại ung thư có chỉ định và giới hạn riêng, không có xét nghiệm đại diện tầm soát ung thư mà là sự kết hợp của cả bác sĩ và bệnh nhân, sự tuân thủ của bệnh nhân. Nếu làm tốt công tác chẩn đoán, điều trị giai đoạn sớm thì ung thư nào cũng có thể chữa khỏi tới 95%.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top