Ung thư buồng trứng: “Biết sớm, trị lành”

Có đến 90% số người mắc phải ung thư buồng trứng được chữa khỏi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ này giảm xuống còn 70 - 80% nếu các tế bào ung thư phát triển mạnh và chỉ còn 20% nếu đã di căn. Vì vậy, tầm soát ung thư chính là cách phát hiện bệnh sớm và gia tăng tỷ lệ điều trị thành công.

Bệnh ung thư khó nhất về phòng ngừa và phát hiện sớm

Ung thư buồng trứng là các khối u ác tính ở buồng trứng. Nó có thể ở một hoặc hai bên buồng trứng. Với sự phát triển của nền y học hiện đại thì bệnh có thể hoàn toàn được chữa khỏi nếu như phát hiện sớm. Tuy nhiên, các dấu hiệu biểu hiện bệnh không có ở giai đoạn đầu nên việc thực hiện tầm soát ung thư buồng trứng là cần thiết.

Trong các khối u phụ khoa, ung thư buồng trứng được đánh giá là một trong những bệnh ung thư khó nhất về phòng ngừa và phát hiện sớm do buồng trứng nằm sâu bên trong khung chậu. Bệnh thường phát triển âm thầm, dễ bị bỏ qua khi có các biểu hiện vì dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

ung-thu-buong-trung-1(1).jpg
Ung thư buồng trứng: “Biết sớm, trị lành

Nếu có các dấu hiệu bất thường sau thì không nên bỏ qua:

+ Đau bụng dưới hoặc vùng chậu;

+ Đau khi quan hệ tình dục;

+ Táo bón, đầy hơi, trướng bụng, đi tiểu thường xuyên.

+ Mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân.

Cần tầm soát sớm

Theo tài liệu thống kê, có đến 90% số người mắc phải ung thư buồng trứng được chữa khỏi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ này giảm xuống còn 70 – 80% nếu các tế bào ung thư phát triển mạnh và chỉ còn 20% nếu đã di căn. Càng phát hiện muộn thì cơ hội điều trị và thời gian sống thọ càng giảm.

ung-thu-buong-trung(1).jpg
Biểu hiện của ung thư buồng trứng.

Vì vậy tầm soát ung thư chính là cách phát hiện bệnh sớm và gia tăng tỷ lệ điều trị thành công. Bệnh nhân cũng sẽ có cơ hội sống lâu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

Tầm soát ung thư buồng trứng là việc kết hợp sử dụng các kỹ thuật y khoa như: xét nghiệm máu tìm chỉ điểm CA 12-5, HE4, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, MRI... để xác định khối u, mức độ bệnh và tình trạng xâm lấn của khối u bên trong cơ thể.

Để tầm soát ung thư buồng trứng, thông thường bệnh nhân sẽ được thực hiện các phương pháp sau:

Xét nghiệm máu tìm chỉ điểm CA 12-5: CA 12-5 là dấu ấn quan trọng để phát hiện ung thư buồng trứng. Xét nghiệm này có giá bình thường là 0-35U/mL và càng tăng cao thì càng có giá trị cho chẩn đoán. Ngoài ra, xét nghiệm này còn được kết hợp với các dấu ấn ung thư khác như: CA 19-9, HE4, CEA...

Siêu âm: Siêu âm là một trong những kỹ thuật được sử dụng trong tầm soát ung thư buồng trứng với ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao.

Chụp cắt lớp vi tính CT, MRI, chụp X-quang. Được thực hiện khi đánh giá mức độ khối u hoặc tìm dấu hiệu bệnh ở các vùng khác trên cơ thể.

Sinh thiết: Giải phẫu sinh thiết để chẩn đoán ung thư và thể loại ung thư:

Để tầm soát ung thư buồng trứng có hiệu quả nên lưu ý một số điều như:

+ Nên thực hiện xét nghiệm tầm soát trong khoảng 14 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh gần nhất;

+ Không thực hiện khi đang đặt thuốc hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa;

+ Không quan hệ tình dục 24 – 58 tiếng trước khi xét nghiệm tầm soát để tránh những tổn thương cho cổ tử cung và làm sai lệch kết quả;

+ Trước khi thực hiện tầm soát không dùng kem bôi trơn âm đạo vì nó che khuất những tế bào bất thường.

 Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư sinh dục thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, mỗi năm phát hiện hàng nghìn ca mới mắc ung thư buồng trứng. Căn bệnh này diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt và thường bị chị em phụ nữ bỏ qua.

Theo Đời sống
back to top