Ứng dụng “viên gạch” công nghệ trong bệnh viện

Nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã ứng dụng “viên gạch” công nghệ tự động làm nền tảng phát triển các giải pháp y tế kỹ thuật số (eHealth), hướng tới điều trị hiệu quả, an toàn người bệnh.

Khám bệnh: Không còn viết tay bệnh án hay y lệnh

Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận 7.000 bệnh nhân. Để giảm quá tải, quản trị bệnh viện cũng như quản lý chất lượng khám chữa bệnh, gia tăng an toàn người bệnh, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh án điện tử, lưu trữ hồ sơ điện tử.

benh-an-dien-tu.jpg
Điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM theo dõi bệnh nhân tại giường qua hồ sơ bệnh án điện tử.

Bệnh nhân Hoàng Q.A. (67 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình) khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM không còn phải mang giấy tờ lỉnh kỉnh. Theo ghi nhận của hồ sơ bệnh án điện tử, vào ngày 12/2/2022, bệnh nhân Q.A. đã nhập viện và phải phẫu thuật vì viêm đường mật cấp, tắc mật do u.

Một tháng sau đó, bệnh nhân nhập viện vì ung thư túi mật xâm lấn đường mật rốn gan, rồi xẹp phổi phải.

“Trên hồ sơ bệnh án điện tử, các bác sĩ có thể nhận biết ngay lập tức tiền sử bệnh mà không cần phải lật lại các chồng hồ sơ bệnh án giấy dày cộp. Khi đó, bác sĩ biết bệnh nhân này từng phẫu thuật bao nhiêu lần, có tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não, rối loạn chuyển hóa lipid máu…”, TS.BS Lê Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết.

canh-bao-tuong-tac-thuoc.jpg
Với hồ sơ bệnh án điện tử, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM còn xây dựng các kịch bản về cảnh báo tương tác thuốc đối với tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Đối với nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân, thông tin rõ ràng, số liệu chính xác, nhanh và kịp thời với các chỉ định cận lâm sàng được hệ thống thông báo ngay khi có kết quả. Nhiều công cụ, các bảng đánh giá đều tích hợp sẵn theo từng bệnh án, từng loại bệnh.

“Ví dụ, bệnh nhân 83 tuổi khi vào nhập viện điều trị, chúng tôi yêu cầu các bác sĩ đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối kết hợp với nguy cơ chảy máu, để cân nhắc thuốc chống đông khi bệnh nhân cần phẫu thuật”, TS.BS Lê Quan Anh Tuấn cho biết.

Hơn thế nữa, với hồ sơ bệnh án điện tử, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM còn xây dựng các kịch bản về cảnh báo tương tác thuốc đối với tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng như các cảnh báo khác trong chăm sóc người bệnh.

Nhiều công cụ đã hỗ trợ nhân viên y tế, kể cả điều dưỡng, chủ động ghi nhận thông tin người bệnh, không bỏ sót, chính xác và tiết kiệm thời gian. Người bệnh được chăm sóc nhanh, chính xác, hiệu quả, an toàn và giảm chi phí.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chống nhầm lẫn người bệnh

BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ, bệnh viện đã đạt nhiều bước tiến vững chắc, ứng dụng y tế thông minh trong khám và điều trị.

Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức đã sử dụng camera để thu nhận hình ảnh khuôn mặt người bệnh và nhân viên y tế, sau đó sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo để nhận diện có đúng với hình ảnh được lưu trữ trước, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn người bệnh.

bv-ntp.jpg
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ, bệnh viện đã có nhiều ứng dụng y tế thông minh trong khám và điều trị. Ảnh tư liệu

Bệnh nhân trước khi được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, điều dưỡng dùng app trên điện thoại nhập thông tin hành chính bệnh nhân (thông tin được chuyển từ phần mềm quản lý bệnh viện HIS), sau đó chụp lại hình bệnh nhân.

"Thông tin hình ảnh của bệnh nhân được lưu xuống cơ sở dữ liệu của hệ thống nhận diện. Khi vận chuyển bệnh nhân lên khoa, tại cửa vào của khoa có gắn camera, camera này sẽ tự động quét và check trong dữ liệu”, BSCKII Võ Đức Chiến cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cũng đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo kiểm soát gây mê, để xác định chuyển tiếp của các trạng thái gây mê khác nhau của người bệnh liên quan đến phẫu thuật.

Theo đó, các bác sĩ gây mê sẽ kiểm soát tốt hơn quá trình gây mê như tránh gây mê nông hoặc quá sâu, ngăn ngừa tỉnh mê trong khi phẫu thuật và rút ngắn thời gian tỉnh mê. Kết quả này có thể áp dụng để tối ưu hóa liều lượng thuốc gây mê, nhằm đem lại sự an toàn cho người bệnh trong gây mê và phẫu thuật.

Các giá trị cá nhân hóa có thể thay đổi đối với từng cá thể người bệnh trong nhóm có cùng thông số như tuổi, giới tính, cân nặng, chỉ số BMI và dấu hiệu lâm sàng. Do đó, áp dụng điều này để điều chỉnh lượng thuốc mê sử dụng chính xác, an toàn và hiệu quả hơn cho người bệnh.

Hệ thống mã QR chỉ dẫn đường đi cho người bệnh

Bệnh viện Bình Dân TPHCM cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ hướng dẫn người bệnh di chuyển trong bệnh viện cũng như triển khai thẻ khám bệnh thông minh và giúp hạn chế lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 qua tiếp xúc.

ThS.BS Đồng Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết, người bệnh có ứng dụng quét mã QR tìm đường trong bệnh viện sau khi nhiều khu vực của bệnh viện được tái sắp xếp cho phù hợp với hoạt động phân luồng, sàng lọc người bệnh.

quet-ma-di-duong-cua-bv-binh-dan.jpg

Người bệnh có thể chủ động tìm đường đến các vị trí trong bệnh viện như khám bệnh, xét nghiệm, nhà thuốc, khu làm hồ sơ nhập viện và cảnh báo những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao… kèm theo các thông tin liên quan về điểm đến hiển thị ngay trên điện thoại cá nhân.

Bệnh viện Bình Dân TPHCM còn triển khai thẻ khám bệnh thông minh vừa tích hợp thông tin khám chữa bệnh của người bệnh vừa là thẻ thanh toán viện phí.

Ngay khi nhận được tin nhắn SMS báo có kết quả xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh, người bệnh có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên thẻ khám bệnh được nhận khi đăng ký khám bệnh để xem các kết quả cập nhật.

Ngoài ra, thẻ khám bệnh thông minh với mã QR cho phép người bệnh chủ động lấy số thứ tự bằng cách đưa mã vào các máy quét thẻ tại các khu vực có kiosk đặt hẹn trong bệnh viện. Việc ứng dụng thẻ khám bệnh thông minh giúp cho việc quản lý, lưu trữ thông tin giữa người bệnh và bệnh viện hiệu quả hơn.

Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo

Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM bắt đầu triển khai giải pháp công nghệ thông tin y tế hoàn chỉnh gồm bộ giải pháp trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống công nghệ thông tin y tế PACS - RIS và Hệ thống X-quang kỹ thuật số.

bv-cray.jpg
Theo TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào phục vụ bệnh nhân là rất cần thiết.

Nhờ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các kết quả X-quang có thể hiển thị trong vòng 20 giây sau khi chụp, nhanh chóng thể hiện hình ảnh những khu vực tổn thương ban đầu (nếu có), giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim nhanh hơn, không bỏ sót tổn thương ban đầu.

Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì vậy, theo TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào phục vụ bệnh nhân là rất cần thiết.

Qua đó giúp giải quyết tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và đặc biệt hỗ trợ hiệu quả những trường hợp bệnh khó, phức tạp.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top