Tỷ phú Elizabeth Holmes và con đường khởi nghiệp từ… máu

Từ việc sợ kim tiêm và chứng kiến cảnh mẹ cùng bà ngoại ngất xỉu khi đi xét nghiệm máu, Elizabeth Holmes  đã nảy sinh ý tưởng thành lập một trung tâm nghiên cứu về máu, nơi mà các chuyên viên chỉ cần lấy 1 lượng máu rất ít nhưng đủ để làm mọi xét nghiệm với chi phí rất rẻ và thời gian chờ đợi ngắn nhất.

Ý tưởng tỷ đô

Trả lời trong một bài phỏng vấn với báo chí Elizabeth Holmes đã nói vui rằng: “Nếu người ngoài hành tinh xuống đây và hỏi tôi rằng trò tra tấn nào đối với con người là man rợ nhất, tôi sẽ nhanh chóng trả lời đó là chọc kim tiêm vào người và hút máu ra”.

Chân dung nữ tỷ phú Elizabeth Holmes.

Cũng chính vì nối khiếp sợ mỗi lần nhìn thấy kim tiêm khi phải đi xét nghiệm máu của mình và người thân, Elizabeth Holmes đã nảy sinh ý định phải làm cái gì đó để thay đổi nỗi sợ này. Thêm vào đó là giảm thiểu chi phí, thời gian chờ đợi và hơn hết là giúp mọi người trên toàn thế giới có thể đọc kết quả xét nghiệm một cách chính xác, để từ đó chủ động phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.

19 tuổi, Elizabeth Holmes rời  Đại học Stanford, nơi cô đã phải nộp đơn rất nhiều lần để được nhập học và thành lập công ty về sau được biết tới với tên Theranos. Quyết định này được cô thực hiện sau một mùa hè phục vụ trong phòng nghiên cứu về bệnh SARS ở Singapore.  Elizabeth Holmes cũng đã thuyết phục bố mẹ mình chuyển toàn bộ học phí cho mình để làm vốn khởi nghiệp.

Giống như lời lẽ trong bức thư năm 9 tuổi mà cô gửi cho bố mình: “Những gì con thực sự muốn ở cuộc sống là khám phá những điều mới lạ, một cái gì đó mà loài người không nghĩ sẽ trở thành sự thật”. Và quả thực không ngờ hơn 20 năm sau, Elizabeth Holmes  đã gây dựng nên Theranos –  một đế chế công nghệ sinh học với mục đích thay đổi hoàn toàn hoạt động chăm sóc y tế. Việc này quả là đóng góp không nhỏ trong cả công nghệ lẫn y học cho toàn thế giới.

Chia sẻ về việc thành lập công ty, Holmes cho rằng xét nghiệm máu là hoạt động khó khăn một cách đáng kinh ngạc và vô cùng đắt đỏ. Và dù thử máu là hoạt động thường xuyên diễn ra trong công tác điều trị bệnh, đã chẳng có thay đổi nào trong công nghệ thử máu kể từ những năm 1960.

Holmes nhận thấy quy trình này cần phải có sự thay đổi, theo hướng giảm thiểu các nhược điểm cố hữu và tăng tốc độ thu kết quả xét nghiệm. Phải mất 1 thập kỷ để ý tưởng của cô trở thành hiện thực. Nhưng tới lúc này, đã có thể khẳng định quyết định bỏ học khỏi Stanford của cô là không hề sai lầm.

Thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm

Mới đây, tập đoàn dược phẩm Walgreen thông báo sẽ lắp đặt các điểm dịch vụ xét nghiệm máu Theranos trong nhiều cửa hàng bán thuốc của công ty, nằm trên khắp nước Mỹ. Một số cửa hàng như thế ở Phoenix và Palo Alto, California thực tế đã đi vào hoạt động. Holmes cũng đã thu được hơn 400 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào Theranos, công ty giờ đã có giá tới 9 tỷ USD (Holmes nắm 50% cổ phiếu).

Hiện Theranos giữ bí mật rất chặt quanh quy trình xét nghiệm máu mới của công ty. Quy trình này được bảo vệ bởi hơn một chục giấy chứng nhận đăng ký bản quyền trí tuệ. Công ty đã làm đơn đăng ký bản quyền cho các phát minh của mình sớm nhất từ năm 2004 và gần đây nhất là vào tuần trước.

Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wired, Holmes có nói về một số ý tưởng chủ đạo nằm sau hoạt động của Theranos. “Chúng tôi phải phát triển các phương pháp học có thể giúp đẩy nhanh tốc độ thu kết quả xét nghiệm” – cô nói – “Ví dụ trong trường hợp xét nghiệm máu để tìm virus hoặc vi khuẩn gây bệnh, phương thức xét nghiệm truyền thống thường dựa trên việc nuôi virus, vi khuẩn (vốn mất nhiều thời gian). Trong khi đó, chúng tôi tiến hành đo đạc dựa trên gene di truyền của mẫu bệnh nên sẽ có kết quả nhanh hơn nhiều”.  Holmes cũng cho biết cô quyết định đầu tư vào hoạt động xét nghiệm máu vì nó tác động tới 80% các quyết định điều trị do bác sĩ đưa ra. Thông qua việc xử lý sự thiếu hiệu quả trong xét nghiệm máu, Holmes và Theranos đã cách mạng hóa hoạt động điều trị bệnh.

Giờ đây người ta hoàn toàn có thể tiến hành xét nghiệm máu mà không cần phải tới gặp bác sĩ. Việc này sẽ giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Chưa hết, kết quả có thể thu được chỉ sau 4 giờ. Điều này có nghĩa bệnh nhân hoàn toàn có thể ghé qua tiệm bán thuốc và thu lấy kết quả xét nghiệm máu một ngày trước khi gặp bác sĩ. Việc này sẽ khiến hoạt động chẩn đoán, điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Phương thức xét nghiệm kiểu mới cũng có chi phí rất rẻ. Theranos thậm chí còn liệt kê giá thực hiện các loại xét nghiệm máu lên Internet và mức chi phí thực sự rất ấn tượng. Đơn cử như việc công ty thu phí chỉ 35 USD cho một xét nghiệm máu về khả năng mang thai, vốn có chi phí tới 2.000 USD theo quy trình xét nghiệm truyền thống.

Theo Business Insider, nếu 2 chương trình bào hiểm là Medicare và Medicaid của Mỹ áp dụng phương pháp xét nghiệm mới của Theranos  họ sẽ giảm được 50% chi phí. Và tương ứng với việc này, chính quyền Mỹ sẽ tiết kiệm được 202 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ.

Điều đặc biệt nữa là bệnh nhân có thể tiếp cận được với các thông tin xét nghiệm để hiểu biết hơn về sức khỏe của họ. “Thông qua việc làm xét nghiệm, bạn sẽ thấu hiểu về cơ thể mình, về bản thân mình” – Holmes nói – “Từ đó bạn sẽ thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi lối sống và bắt đầu thay đổi cả cuộc đời mình”.

Hoàng Bách (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top