Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị cao kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ qua

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng tiêu cực này.

Sang quý 4/2020, tình hình kinh tế có nhiều khả quan. Số lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã được cải thiện, giảm tới 60,1 nghìn người so với quý 3/2020, chỉ còn 1,2 triệu người. Tuy nhiên, con số về lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn còn cao, tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý 4/2020 tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Tính chung năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) năm 2020 là 7,10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm.

Tính tới thời điểm cuối năm 2020, Việt Nam có 8,9 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia thị trường lao động.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi việc làm của nhiều người lao động và còn khiến họ lâm vào tình trạng thiếu việc làm. Số lao động bị thiếu việc làm giảm sâu ở cả 3 khu vực kinh tế: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%

Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 đã không vượt quá 4,0%, đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chỉ tiêu này cùng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác có thể được xem là bằng chứng quan trọng về thành công của Chính phủ trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top