Tỷ lệ nhân viên y tế xã ở TPHCM chỉ 2,3 người/vạn dân

Tỷ lệ nhân viên y tế xã ở TPHCM là 2,3 người/vạn dân, có trạm y tế chỉ có 4, 5 người. Sở Y tế TPHCM kiến nghị tăng biên chế cho trạm y tế từ 10 lên 20 người.

Chiều nay 10/11, tại buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, Sở Y tế thành phố đã đề xuất các cơ chế, chính sách giúp củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

BS Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 cho biết, hết dịch Covid-19, một y sĩ y học cổ truyền của trạm y tế đã xin nghỉ việc. Gia đình không thể chấp nhận một người con, người vợ mà 4 - 5 tháng không về nhà.

Không chỉ vậy, cơ sở vật chất, xe cứu thương cho các trạm y tế, trung tâm y tế, rất khó khăn, gần như không có. BS Thái cho biết, đợt dịch vừa qua, họ thậm chí phải sử dụng cả xe chở vật liệu xây dựng để chuyển bệnh nhân cấp cứu.

y-te-co-so.jpg
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà

Tuy nhiên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, đặt câu hỏi: Nếu tăng biên chế trong thời gian này, con người có không? Lấy nguồn từ đâu?

Qua khảo sát trực tiếp của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, xã Vĩnh Lộc B với 180.000 dân chỉ có 7 nhân viên y tế, không có bác sĩ, mỗi nhân viên y tế quản lý 25.000 dân.

Quận 4 có 13 trạm y tế chỉ duy nhất có 1 trạm bổ nhiệm được trưởng trạm. Mô hình hợp tác công tư ở quận 3 thu hút được cả bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng cũng chỉ là thí điểm. Theo ông Thanh Bình, nhiều nơi vẫn còn vướng cơ chế, trong khi "xé rào" cơ chế chính sách, rủi ro rất cao.

img-5061.jpg
Tỷ lệ nhân viên y tế xã ở TPHCM là 2,3 người/vạn dân, có trạm y tế chỉ có 4, 5 người. Ảnh tư liệu

Ông Bình còn băn khoăn, liệu dân có đến trạm y tế hay không? Trong khi trạm y tế không có chế độ BHYT, không được cấp phát thuốc, không có nguồn thu từ dịch vụ.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mong muốn TPHCM xem xét cơ chế đặc thù, giải quyết sớm tờ trình của Sở Y tế về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

Trước đây, TPHCM luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát. Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, 50% trạm y tế không có trưởng trạm, thực trạng này đã kéo dài từ lâu do thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm.

Ngoài bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, trạm y tế cần bổ sung thêm y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị hỗ trợ bác sĩ tại trạm y tế 5 triệu đồng/tháng; cử nhân đại học, y sĩ 4 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp 3 triệu đồng/tháng.

img-5072.jpg
Trước khi có dịch Covid-19, TPHCM đã áp dụng một số mô hình hiệu quả: đặt phòng khám đa khoa của bệnh viện tại trạm y tế. Ảnh tư liệu 

Trước khi có dịch Covid-19, TPHCM đã áp dụng một số mô hình hiệu quả: đặt phòng khám đa khoa của bệnh viện tại trạm y tế ở Thủ Đức, Tân Phú…; chuyển đổi hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, kết nối với các bác sĩ chuyên khoa của thành phố…

Bên cạnh đó, nếu chương trình thực hành tại y tế cơ sở được triển khai cho các bác sĩ mới tốt nghiệp, mỗi năm sẽ có khoảng 400 bác sĩ đến các trạm y tế, trung tâm y tế.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top