Tỷ lệ dương tính tại các vùng nguy cơ ở TP.HCM hiện ra sao?

Tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%. Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm đợt 1 là 3,6%, đợt 2 giảm xuống 2,7%.

Tại cuộc họp báo chiều 5/9, Zing đặt câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM về đánh giá tình hình lây nhiễm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức khi xét nghiệm diện rộng theo 5 vùng - xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ. Bên cạnh đó, báo chí cũng đề nghị ngành y tế TP.HCM cung cấp thông tin về hiệu quả của thuốc Molnupiravir.

Tỷ lệ dương tính vùng cam, đỏ giảm từ 3,6% xuống 2,7%

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), cho biết thời gian qua thành phố thực hiện kế hoạch 2716 và 2817 về xét nghiệm diện rộng để phục vụ công tác đánh giá tình hình kiểm soát dịch, từ đó có các quyết sách phù hợp.

Đại diện HCDC lý giải chiến lược xét nghiệm khác nhau theo từng vùng. Cụ thể, vùng xanh và cận xanh thì lấy mẫu đại diện hộ gia đình bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10, vùng vàng gộp 5. Còn vùng cam và đỏ thì xét nghiệm nhanh toàn bộ cư dân.

Xét nghiệm nhanh thì 15-30 phút là có kết quả, còn bằng phương pháp PCR phải chờ 2-3 ngày sau. Do đó, độ trễ giữa 2 loại xét nghiệm khác nhau. Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm này ưu tiên vùng nguy cơ cao và rất cao, nên có độ trễ trong kết quả xét nghiệm nhanh và PCR giữa 2 nhóm vùng nêu trên. Vì vậy, có sự khác nhau trong tốc độ triển khai và hoàn thành giữa một số địa bàn.

Tình hình dịch bệnh theo ngày tại TP.HCM

Nhãn 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9
Số ca nhiễm Ca 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8499 4104
Số ca xuất viện
2246 2372 2752 2699 3369 4172 2266 2706
Số ca tử vong
256 245 335 303 217 250 256 222

Cụ thể, tới ngày 4/9, hầu hết địa phương đã thực hiện xong đợt xét nghiệm đầu tiên ở cả 5 vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ). Trong đó, quận 7, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Cần Giờ hoàn thành sớm, nhanh chóng bước vào đợt 2 nên tốc độ lấy mẫu cũng nhanh hơn nơi khác. Đến hôm nay, 22 địa phương đã đạt trên 80% của đợt 2; dự kiến ngày mai, tất cả địa phương tiến hành xong đợt 2.

Ông Tâm cho biết đến nay, cả thành phố mới xong đợt 1 nên chưa thể đánh giá tình hình một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, dựa trên số liệu sơ bộ đến nay thì tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%.

Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ đợt 1 là 3,6% và đợt 2 là 2,7%. Làm rõ kết quả này, ông Tâm lý giải tại cùng một vùng, đợt lấy mẫu xét nghiệm nhanh đầu tiên thì tỷ lệ dương tính là 3,6%; đến đợt thứ hai thì tỷ lệ này giảm xuống 2,7%.

"Số này có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng, chúng tôi kỳ vọng giảm phân nửa. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ thì có giảm. Phải chờ hết 6/9, chúng tôi mới có thể đánh giá con số chính xác và so sánh được", ông Tâm nói.

siet chat gian cach xa hoi tai TP.HCM anh 1
Huyện Củ Chi và quận 7 tại TP.HCM đã công bố kiểm soát được dịch. Ảnh chụp màn hình Bản đồ Covid-19.

Thuốc Molnupiravir giúp giảm tỷ lệ tử vong

Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng thông tin thêm về kết quả cấp phát và sử dụng túi thuốc C - thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19.

Nói rõ hơn về công tác điều trị, ông Tâm cho biết khác với điều trị triệu chứng "vòng ngoài" như thuốc hạ sốt, giảm đau... Molnupiravir trực tiếp khống chế "vòng trong", làm giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng của người bệnh.

Vừa qua, thành phố đã nhận 16.000 liều Molnupiravir và chuyển về các quận/huyện/TP. Đến giờ, các địa phương đã cấp 5.058 liều cho F0, tức gần 1/3.

siet chat gian cach xa hoi tai TP.HCM anh 2
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Phó giám đốc HCDC cho hay thuốc này được kiểm soát đặc hiệu, không phải ai cũng có thể dùng.

"Đây là thuốc rất mới nên có một số chống chỉ định, người sử dụng phải ký cam kết mới được sử dụng. Do giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý, thuốc đã có sẵn nhưng người bệnh còn dè dặt vì mới quá. Do đó, tỷ lệ tiếp nhận còn thấp", ông Tâm lý giải.

Tuy nhiên, vị này đánh giá tỷ lệ tiếp nhận 1/3 là khá khả quan so với vài ngày trước đây. Vừa qua, ngành y tế đã chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận kết quả khả quan, làm giảm tải lượng virus, tỷ lệ tử vong.

Theo báo cáo của HCDC, tác dụng phụ của Molnupiravir hầu như không đáng kể, ví dụ như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi… Đánh giá sơ bộ, ông Tâm cho rằng thuốc Molnupiravir mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19.

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); người dân "ai ở đâu ở đó", tổ công tác đặc biệt tại từng địa phương "đi chợ hộ" cho tất cả người dân.

Từ 30/8, shipper được hoạt động trở lại trên toàn thành phố, chỉ được di chuyển nội quận và phải xét nghiệm 1 ngày/lần (với vùng đỏ) hoặc 2 ngày/lần (với các vùng còn lại).

Theo zingnews.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top