Tuyến phố kiểu mẫu: Đừng đánh đồng kiểu mẫu với đồng phục

(khoahocdoisong.vn) - Người làm đề án tuyến phố kiểu mẫu đang hiểu sai khái niệm kiểu mẫu, hiểu sai tính đa dạng của thị trường và hiểu sai khái niệm kiểu mẫu của tuyến phố.

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, người làm đề án tuyến phố kiểu mẫu đang hiểu sai khái niệm kiểu mẫu, hiểu sai tính đa dạng của thị trường và hiểu sai khái niệm kiểu mẫu của tuyến phố. Nếu nhân rộng “tuyến phố kiểu mẫu” khắp Hà Nội, chắc có lẽ khách du lịch sẽ “chạy mất dép”.

Kiểu mẫu không phải là giống nhau

Chính quyền phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã xây dựng tuyến phố “kiểu mẫu” tại phố Đình Thôn với nhiều cột sắt được cắm trên vỉa hè. Đây là tuyến phố “kiểu mẫu” thứ 2 sau tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, Hà Nội đã thất bại, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Để tạo sự đồng bộ trên tuyến phố, chính quyền phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cắm 200 cột thép có kích thước bằng nhau lên các vỉa hè và quy định kích thước biển hiệu. Tuy nhiên nhiều người dân cho rằng điều này chỉ gây khó khăn cho người đi bộ vì vỉa hè vốn đã quá chật hẹp. Dưới góc nhìn xã hội học, ông đánh giá thế nào về tuyến phố này?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.

Sự thất bại của tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, tôi nghĩ là bài học cho những người làm dự án này rồi. Người dân kinh doanh trên tuyến phố Lê Trọng Tấn than thở kinh doanh giảm sút, khách du lịch thì nói không thể phân biệt được cửa hàng này bán gì. Muốn biết, cứ phải ngỏng cổ lên cao để nhìn, rất bất tiện. Ở góc độ thị trường, tuyến phố muốn buôn bán được phải có các mặt hàng đa dạng. Giống như cái chợ thu nhỏ, vào đó người ta có thể lựa chọn thoải mái nhiều thứ khác nhau. Còn ở đây, việc các biển hiệu giống hệt nhau, treo ở trên cao, tạo ra sự phiền hà cho người mua, đó là chưa kể đến vỉa hè vốn đã chật hẹp, đóng những chiếc cọc đó lên chỉ thêm vướng.

Nhưng để chỉnh trang đô thị, có sự đồng bộ trong quy hoạch thì phải thế?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng người ta đang hiểu sai khái niệm kiểu mẫu. Đáng lẽ, tuyến phố kiểu mẫu phải là tuyến phố sạch sẽ, thoáng, không ngập, không rác, không chen lấn. Người bán hàng niềm nở với khách, không bán hàng giả, không gian dối, không bắt chẹt khách… Có như thế thì mới xứng đáng là kiểu mẫu để phát triển rộng ra các tuyến phố khác. Mặc cùng một bộ quần áo người ta gọi là đồng phục chứ không phải là kiểu mẫu.

Vậy là người ta đang làm sai?

Đúng vậy, người ta đang triển khai tuyến phố kiểu mẫu nhưng sai với mục tiêu và sai với khái niệm. Dẫn đến, biến tuyến phố trở thành một kiểu đơn điệu giống nhau, không đúng với tuyến phố kiểu mẫu. Vừa không làm cho diện mạo đô thị đẹp hơn, vừa gây thất thu cho người kinh doanh, gây ra những sự khó chịu cho khách du lịch.

Như ông nói, kiểu mẫu nghĩa là những tính chất bên trong, không phải cái vỏ bề ngoài?

Tuyến phố phải mang tính đa dạng, cởi mở, người bán hàng phải vui vẻ, trung thực, hàng hóa phải bán đúng giá, chất lượng cao… Kiểu mẫu không phải là đóng vài cái cọc lên, sơn màu giống nhau rồi treo biển hiệu lên. Khách hàng đứng ngửa cổ lên mới biết bán gì.

Không nước nào làm thế

Ông đã đi nhiều nơi, trên thế giới có nơi nào làm tuyến phố đồng bộ như vậy không thưa ông?

Không có nước nào làm như thế cả. Người ta chỉ đồng bộ theo kiểu đồng dạng. Nghĩa là tuyến phố có cùng kiểu cây xanh, ban công cũng trồng cây, trồng hoa, nhưng mỗi nhà một kiểu. Hoặc người ta thống nhất dùng cùng một tông màu sắc tạo ra tổng thể hài hòa. Nghĩa là đồng dạng nhưng đa dạng, tôn trọng nét riêng, tôn trọng tự nhiên chứ không phải cùng chôn cọc, treo biển giống hệt nhau như ta đang làm.

Có thể ý tưởng của người thực hiện là muốn tuyến phố không còn lộn xộn mà đi vào ngăn nắp?

Ngăn nắp thì cũng đâu cần phải làm thế. Vỉa hè đã nhỏ, chôn các cọc xuống làm lối đi vốn đã nhỏ, nay còn khó đi hơn. Muốn tuyến phố ngăn nắp thì hãy thực hiện sửa sang vỉa hè đi. Không đổ rác thải, nước thải ra ngoài đường. Xe cộ để đúng quy định. Không chèo kéo, bán hàng rong, bắt chẹt khách. Thái độ văn minh, lịch sự của con người quyết định sự ngăn nắp của tuyến phố chứ không phải là sự ngăn nắp một cách cơ học.

Tôi băn khoăn, nếu cùng với chủ trương xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, chúng ta có được những phương án thiết kế đẹp, tiện ích, thân thiện thì sẽ tốt biết bao?

Đúng là nếu làm được thế thì rất tốt. Nhưng nó đòi hỏi phải có trình độ cao về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, thị trường… chứ không đơn giản. Còn ở đây, chúng ta thực hiện theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống. Phường là đơn vị triển khai, cứ thế mà làm thôi chứ không cần biết có phù hợp hay không. Cái khó nó ở chỗ đó.

Khách du lịch chạy hết

Ông có đặt câu hỏi vì sao người ta lại triển khai tuyến phố kiểu mẫu như vậy?

Tôi cũng băn khoăn, không hiểu đơn vị nào lên phương án, thiết kế, trình lên ý tưởng để được phê duyệt. Ai là người nghĩ ra ý tưởng này? Biết để hiểu cái tầm của họ như thế nào. Bởi họ đã sai ngay từ đầu, hiểu sai về tính đa dạng của thị trường cũng như tính kiểu mẫu của các tuyến phố.

Để sửa sai, theo ông Hà Nội nên làm gì?

Tôi cho rằng làm những việc liên quan đến cả cộng đồng thì phải lấy ý kiến cả cộng đồng, các nhà khoa học, người dân, thay vì áp đặt, triển khai theo mệnh lệnh từ trên xuống. Nếu lấy ý kiến rộng rãi, tôi tin là sẽ thu được những lý do có cơ sở khoa học để triển khai tuyến phố kiểu mẫu theo hình thức khác. Không phải là kiểu áp đặt, hình thức, khoác lên mình cái áo mới thì nghĩ mình đã thành người mới mẻ, đẹp đẽ là suy nghĩ sai lầm.

Nếu nhân rộng tuyến phố kiểu mẫu thế này khắp Hà Nội, ông nghĩ sao?

Tôi thực sự thấy lo lắng đấy. Nếu Hà Nội làm thế thì chết dở. Sợ là khách du lịch họ sẽ chạy mất dép, họ chẳng mặn mà đến khám phá, thưởng thức Hà Nội với những nét văn hóa đặc sắc nữa.Diện mạo của phố phường là biểu hiện của văn hóa, thể hiện trình độ khoa học kỹ thuật và khả năng sáng tạo của các nhà quản lý nên cần phù hợp với sự phát triển đô thị hiện đại, tránh hình thức rập khuôn, mang hình mẫu từ các nơi khác để áp dụng trên các tuyến phố với những đặc trưng khác nhau.

Để làm được thế, chính những người quản lý phải tư duy lại?

Chỉ bằng cách mặc đồng phục vài chi tiết trên phố là các nhà quản lý đã tự cho rằng đó là văn minh, kiểu mẫu là chưa hợp lý bởi vài chi tiết đó nếu được đặt không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây phản cảm cho người nhìn, bất tiện cho hộ dân sinh sống tại đó

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đề án thí điểm xây dựng tuyến đường kiểu mẫu của phường Mỹ Đình 1 có điểm giống với ý tưởng tuyến phố kiểu mẫu từng được thử nghiệm trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào năm 2016. Theo đó, tại tuyến phố này, toàn bộ hệ thống biển quảng cáo của các cửa hàng hai bên đường được thiết kế cùng kích cỡ, cùng màu sắc, cùng chất liệu, chiều cao 1,1 m, độ dài tùy theo mặt tiền. Chính quyền cũng hy vọng đề án này sẽ tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư dài hạn cũng như góp phần xây dựng môi trường văn minh, xanh sạch đẹp.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top