Tuyển chọn quan lại thời phong kiến

Việc tuyển chọn quan lại luôn được các triều đại phong kiến coi trọng nhằm quy tụ và sử dụng được rộng rãi nhân tài cho đất nước.

Thi để chọn người tài

Trong ba con đường vào quan trường thời phong kiến thì chế độ khoa cử là chủ yếu nhất và rộng rãi nhất; chế độ này bắt đầu được đặt ra từ triều Lý và kéo dài đến khi chế độ phong kiến suy vong. Theo Từ điển Bách khoa tri thức, chế độ khoa cử bắt đầu từ năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Khoa thi cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1918 triều Khải Định nhà Nguyễn.

Ảnh minh họa

Mỗi khoa thi thời phong kiến gồm ba cấp là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương là thi ở các địa phương. Thi Hội là về kinh đô. Sau khi đỗ thi Hội thì được vào sân rồng của vua thi với đề bài có thể do đích thân vua soạn. Nội dung các đề thi thường hỏi về ý nghĩa kinh sách Nho giáo, thi làm thơ phú, trình bày quan điểm về đạo trị nước…

Những người đỗ thi Hội trở lên được gọi là Tiến sĩ và có thể được bổ dụng các chức quan cao cấp trong triều đình. Trong gần 1000 năm chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam, đã có hàng ngàn vị Tiến sĩ và 55 Trạng nguyên được ghi danh, thể hiện rõ ràng con đường khoa cử là con đường rộng rãi để các sĩ phu bước vào quan trường hành đạo giúp đời.

Những người theo võ nghiệp

Bên cạnh ban văn, những người đi theo võ nghiệp muốn bước ra làm tướng, cũng theo ba đường như trên. Lệ thi võ để chọn người làm quan võ, theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, bắt đầu từ năm 1723 dưới thời chúa Trịnh Cương, học theo phép nhà Đường, nhà Tống, hạ lệnh ba năm tổ chức một khóa thi võ. Các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thi ở địa phương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi ở kinh thành.

Trong khoa thi võ đầu tiên này, đầu đề do chính chúa soạn và chia làm ba kỳ thi. Kỳ thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong Binh pháp Tôn Tử. Kỳ thứ hai thi cưỡi ngựa múa đâu mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đâu mâu, lại đấu kiếm. Kỳ thứ ba thi về phương lược đánh trận và một bài thơ Đường, đầu đề do chúa soạn.

Trước khi có kỳ thi võ, từ thời Trần đã có Giảng võ đường làm nơi luyện tập võ nghệ binh thư, nhưng chỉ dành cho tướng soái và con em quý tộc đến học và chưa có việc thi cử để ra làm quan võ một cách rõ ràng, quy củ. Bởi thế thời đó các danh tướng phần lớn là quý tộc hoặc không cũng là gia nô, môn khách của quý tộc. Các vị Yết Kiêu, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão nằm trong trường hợp này…

Về điều kiện tham gia khoa cử cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Thời Lý – Trần, Nhà nước chưa quy định điều kiện tham gia khoa cử, tới thời Hậu Lê, điều kiện tham gia khoa cử đã được quy định rõ ràng; trước hết phải là dân Đại Việt; có hạnh kiểm tốt thông qua giấy xác nhận tư cách đạo đức của xã quan.

Những người và con cháu những người bất mục, bất hiếu, loạn luân, làm nghề hát xướng không được tham gia khoa cử. Thời Nguyễn, nhà nước còn loại trừ các đối tượng không được tham gia khoa cử là người làm nghề chủ chứa, cai ngục, đầy tớ, phu thuyền và phu khiêng kiệu.

TS Nguyễn Thành Hữu

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top