Tưởng người già không mắc quai bị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên, bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên, ít gặp hơn ở người lớn. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện gặp không ít các trường hợp người lớn, người già nhập viện vì quai bị.

Ông P.N.N. (77 tuổi, Hà Nội) nhập viện sau hơn 1 ngày sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, chán ăn và sưng đau tuyến nước bọt mang tai 1 bên, có nổi vài hạch vùng góc hàm, ấn đau.

Ông được chẩn đoán bệnh quai bị. Mỗi lần dùng thuốc ông thường thắc mắc: “Tôi cứ tưởng chỉ trẻ con mới bị quai bị, không ngờ người già như tôi mà còn bị bệnh này?”. Ông mang tâm lý lo lắng về tình trạng bệnh, nhất là những biến chứng của bệnh.

quai-bi.jpg

Lời bàn: BS Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên, bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên, ít gặp hơn ở người lớn. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện gặp không ít các trường hợp người lớn, người già nhập viện vì quai bị.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Quai bị có thể gây nhiều biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não – màng não, viêm tụy, điếc tai.

Điếc tai là một biến chứng hiếm gặp, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, điếc không hồi phục, thường là điếc một bên tai, hiếm gặp điếc cả hai tai.

Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ chữa khỏi bệnh nhanh chóng và hạn chế tối đa được các biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Như vậy, có thể thấy, bệnh quai bị không kể già trẻ mà bất kỳ ở lứa tuổi nào nếu chưa được tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh quai bị.

Do vậy, cách để phòng bệnh quai bị tốt nhất đó chính là: Tiêm phòng văcxin - đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để tạo cho cơ thể có đủ kháng thể đặc hiệu chống lại virus quai bị.

Theo Đời sống
back to top