Tượng đài khoa học của Việt Nam- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi

Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.VS. nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Hiệu đã từ trần ngày 23/1, hưởng thọ 84 tuổi.
gs-hieu.jpg


GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là nhà vật lý lý thuyết, vật lý toán học nổi tiếng, được coi tượng đài khoa học thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền khoa học Việt Nam.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại Cầu Đơ nay thuộc Phường Hà Cầu - Quận Hà Đông - Hà Nội.

Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc và được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna thuộc Liên Xô cũ.

Tháng 4/1963, ông đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khi chưa đầy 26 tuổi. Năm 1968, ở tuổi 30, ông đã được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonoxop. Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý - Viện Khoa học Việt Nam.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã đảm đương nhiều trọng trách như Viện trưởng Viện Vật lý, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm KHTN&CN Quốc gia, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN).

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là nhà khoa học có uy tín lớn và nổi tiếng trong giới khoa học trong nước cũng như nước ngoài, là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3. Ông còn là đại biểu quốc hội khóa IV, V, VI, VII và VIII. 

Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín nhất ở trong nước cũng như trên thế giới (Giải thưởng Lenin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996,…), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).

Ngoài những công trình nổi tiếng thế giới về Vật lý hạt cơ bản, Vật lý lý thuyết chất rắn và quang tử, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu còn là tác giả, đồng tác giả và nhà kiến tạo nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước như công trình thoát lũ miền Tây tại đồng bằng sông Cửu Long, công trình chống sốt rét bằng nguyên liệu trong nước, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam thông qua chương trình intercosmos… Bên cạnh đó, ông còn được giới vật lý châu Á bầu làm chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết châu Á - Thái Bình Dương (trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc).



Theo Đời sống
back to top