Tướng cướp kể chuyện, Kỳ cuối: “Vua vàng” nghĩa hiệp

Ngày thứ 3 chuyện trò với Khoái “đù”, bí ẩn cuộc đời gã cứ dần được hé lộ. Trong con người gã đủ hình ảnh của một biệt động thành kiên gan chí bền, một tướng cướp khét tiếng, một võ sư siêu hạng, một bố già tàn độc, một thi sĩ đa tình, và giờ đây còn biết thêm gã là một tỷ phú vàng, một “vua vàng” nghĩa hiệp có một không hai.
tướng cướp

Khoái “đù” còn nhớ các thế võ khi đến Thần Sa tìm vàng

Kịch chiến chức… bưởng

Đó là năm 1988, khi Khoái “đù” được trả tự do về với đười thường. Nghĩ cách làm giàu chân chính bằng chính mồ hôi công sức, Khoái tìm đến Thần Sa (Võ Nhai – Thái Nguyên) để tìm vận may.

“Năm Cam từng hai lần tìm tới tôi cầu cứu. Tôi khuyên Cam ra đầu thú, nhưng hắn không chịu nên phải trả giá. Hôm Cam bị tử hình, tôi có đến thắp hương. Đàn em của Nam Cam bảo: “Anh hai mà nghe lời anh thì không đến nỗi”. Tôi cũng chỉ biết vậy, chỉ mong những người như mình biết đâu là ánh sáng mà đi tới”.

Người giang hồ như Khoái “đù” đủ biết sự nguy hiểm ở các bãi vàng nổi tiếng như Thần Sa, Boong Xay, Na Rì… với những bưởng vàng khét tiếng độc ác, chuyên tìm cách hãm hiếp, ăn trên mồ hôi công sức của người khác.

Người viết bài này đã từng thâm nhập làm công nhân ở bãi vàng Thần Sa và được nghe những câu chuyện man rợ, dã man của bọn chủ bưởng. Chúng bắt công nhân hút thuốc phiện vừa để “trói” chân, vừa vắt kiệt sức của họ. Đứa nào kháng lệnh, bưởng cho người chôn sống trong hầm kín, ai tắt mắt ăn trộm cắp lập tức bị trói chân tay vào gốc cây cho hùm beo ăn thịt, cho kiến càng bâu cắn. Thậm chí, chúng còn nấu vàng đổ vào mắt cho mù và chặt chân tay để cảnh cáo.

Khoái “đù” và một người bạn năm 1991

Khoái “đù” và một người bạn năm 1991

Vậy mà, Khoái “đù” vừa đến đã mạnh miệng: “Người nào làm được người ấy ăn. Đứa nào động vào tao, tao giết không tha”. Bọn bưởng nghe thế cho người cầm mã tấu ra hỏi tội. Chỉ chờ có thế, cái thân hình lùn tịt chưa đến mét rưỡi của Khoái tung người hạ từng tên một.

Một bưởng vàng tên Khoát, biệt danh “mặt choắt” cao trên mét bảy sải tay đấm Khoái. Khoái cúi xuống thốc cú đấm trúng bộ hạ tên bưởng cao lớn. Khoát đau đớn, quằn quại quy phục Khoái “đù”.

Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Khoái “đù” ngày ngày đi khắp bãi vàng nghênh chiến các chủ bưởng. Không chỉ có mã tấu, cung tên, mà bọn bưởng ở đây còn có cả súng ống, mìn, lựu đạn nên không dễ để Khoái hạ.

Khoái đành “đánh úp”. Cho quân ém ở các cửa hang, chờ bọn bưởng mất cảnh giác là ập vào đánh cho tơi tả. Tiếng súng nổ, tiếng mìn rền vang cả một góc trời và phần chiến thắng luôn thuộc về Khoái.

Có đất đào vàng, lại sẵn chuyên ngành địa chất mà trước đây Khoái biết ở trường đại học. Khoái và gần 30 thuộc hạ ngày đêm đào bới. Có lần trúng đậm, chia cho anh em, Khoái còn thu về hàng chục cân vàng.

Thế nhưng, vàng nhiều gạo ít, có đợt vừa bị sốt rét lại đói khát, Khoái gầy như xác ve. Ba ngày mới ăn một bữa cơm, còn lại là húp cháo lấy sức mà đào. Quân số của Khoái tăng dần từ 30 đến 320, đợt cao điểm trên 500 quân.

Giang hồ Hải Phòng nghe tin Khoái “đù” trúng đậm thì kéo xuống cướp. Khoái nghênh chiến từ xa, không súng không đạn nhưng Khoái và thuộc hạ dàn quân đánh thục mạng, đập dập hai chân của tên cầm đầu. Khoái bắt đầu thiết lập “luật” mới ở bãi vàng này.

Ở bãi vàng, chuyện hãm hiếp đàn bà con gái xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, Khoái nghiêm cấm không cho thuộc hạ làm chuyện đó. “Tôi bảo, làm ăn phải đứng đắn, có vàng thì đào, đứa nào hiếp đáp gái nhà lành tao giết không tha”.

Thời kỳ ấy, không biết bao nhiêu chủ bưởng phải trả giá vì bị Khoái “đù” phát hiện chuyện hãm hiếp đàn bà. Chính vì thế, gái Thần Sa rất quý mến Khoái, nhiều cô đem lòng thầm yêu trộm nhớ nhưng Khoái không mảy may lợi dụng dù trong suy nghĩ.

Ngửi là biết có vàng

Chuyện Khoái “đù” chỉ ngửi không khí là biết có vàng hay không là có thật. Chính nhờ cái tài ấy mà mỏ vàng lớn ẩn nấp trong các dãy núi điệp trùng ở Thần Sa đều bị Khoái phát hiện.

Khoái “đù” bảo: “Ngoài ngửi, tôi còn xem cây cỏ quanh đó hoặc cảm nhận nhiệt độ cũng biết được. Bây giờ tôi đang làm cố vấn cho một công ty khai thác vàng ở Gia Lai và dậy cho rất nhiều kỹ sư biết cách tìm vàng”.

Nói đoạn, Khoái “đù” móc trong túi ra hai tờ giấy bọc kín mở ra bảo: “Đây là vàng Gia Lai, còn đây là vàng Campuchia, màu sắc và tuổi tác có khác nhau. Tuần tới tôi lại sang Campuchia “ngửi” xem chỗ nào có vàng”.

Nghe Khoái giải thích, mà tôi nghĩ gã mới chính là một kỹ sư siêu hạng. Bây giờ không còn là chủ bưởng, cũng không ham hố vàng bạc gì nữa nhưng dưới Khoái, có hàng trăm kỹ sư trẻ đang được Khoái dạy dỗ.

Khoái có khả năng ngửi để tìm vàng

Khoái có khả năng ngửi để tìm vàng

Từng sở hữu hàng tấn vàng

Khoái tiết lộ: “Lúc giàu nhất, tôi có hàng tấn vàng. Nhưng mình không giữ được, đem phân phát hết. Sau mỗi đợt trúng đậm, tôi chia cho anh em lưng vốn mà phòng thân. Thời ấy, ở Thái nguyên ai mặc quần hộp, đội mũ cối, tay đeo SK thì đích thị là quân của Khoái “đù”. Năm 1991, trên 6 nghìn người ở bãi vàng làm ăn thất bại, tôi cho mỗi nhóm xuống đào 2 tiếng, họ cũng thu được hàng chục cây vàng mỗi giờ đào”.

“Tôi có một cái hang riêng để giữ vàng, hang rộng hàng chục mét mà đầy ứ vàng thì anh tính nhiều đến thế nào. Quân của tôi sướng lắm, họ được tôi cho cả xe máy, vàng lá và vô số tiền bạc về cho gia đình. Thế nhưng tôi nghiêm, thằng nào hút chích thì tôi cho sát muối đánh cho tóe máu rồi đuổi thẳng. Vì mình nghiêm nên không ai dám phạm luật, không ai dám làm dơ bẩn bãi vàng”.

Lòng thương cảm trong Khoái còn được thể hiện trong lần về Đồng Hỷ ăn chơi. Khoái gặp một cô gái tên Thu đã qua một đời chồng và có hai con. Thu nghèo khó, Khoái lại phải lòng người đàn bà ấy nên dang tay giúp đỡ. Họ nên vợ nên chồng và có một cô con gái chung với nhau đặt tên là Đoàn Ngọc Hảo. Hôm tôi gặp Khoái, cũng là ngày cô bé Hảo sinh được một bé trai bụ bẫm. Khoái “đù” chính thức thành ông ngoại.

Và chuyện ít người biết nhất, 13 năm trước có một cô gái xinh đẹp người Hà Nội nghe danh Khoái “đù” đã lặn lội lên Thái Nguyên xin con. Khoái giật mình nhưng rồi đồng ý và rồi lại sợ. Khoái bảo tôi: “Cô ấy sinh được một đứa con trai nhưng không cho nó biết cha nó là tướng cướp. Cô ấy bảo, sau này em chết mới cho nó biết để nó tìm anh”.

Sau bao nhiêu năm phiêu bạt, tứ chiếng giang hồ, giờ đây Khoái “đù” lại “cắm bản” ở mảnh đất Chùa Hang. Ngôi nhà hai tầng rưỡi cũ kỹ không được Khoái sửa sang tân trang lại. Khoái bảo: “Giờ tôi không còn gì. Như các cụ mình nói, được bạc thì sang, được vàng thì bại. Tôi không bại, nhưng tôi cho đi, cho đi là mất nhưng với tôi, cho đi là tích cho cái phúc của mình dày hơn”.

Kỷ niệm duy nhất của Khoái “đù” còn lại là hình xăm trên người. Một là con cá sấu, hai là con đại bàng cùng dòng thơ: Trợn mắt há mồm làm chi tớ?/Anh hùng tương ngộ sợ chi nhau?. Ngồi với Khoái “đù”, tôi hiểu ra nhiều điều, đâu là sáng, đâu là tối, đâu là sấp, đâu là ngửa như “sáu mặt” của viên xúc sắc cuộc đời.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top