Tuân thủ chỉ định để tránh tương tác thuốc

Tương tác thuốc (TTT) là hiện tượng thay đổi tác dụng dược lý hoặc độc tính của một thuốc khi được sử dụng đồng thời với thuốc khác hoặc dược liệu, thức ăn, đồ uống hoặc có thể là với một tác nhân hóa học khác. TTT được xem như là một nguyên nhân kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Mô hình bệnh tật của cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, với tỷ lệ lớn người dân mắc các bệnh về chuyển hóa, các bệnh không nhiễm trùng, các bệnh mạn tính phải dùng thuốc kéo dài, đặc biệt là hiện tượng đa bệnh lý nên việc kết hợp nhiều thuốc trong điều trị là tất yếu và TTT là điều khó tránh khỏi. TTT có thể có lợi nếu biết phối hợp đúng cách. Ngược lại, TTT cũng có thể là nguyên nhân làm giảm hiệu quả điều trị, tăng cường tác dụng phụ của thuốc, thay đổi kết quả xét nghiệm; nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến các tai biến nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. 

TTT có nhiều dạng khác nhau: TTT - thuốc, TTT - thức ăn, TTT - dược liệu, TTT - tình trạng bệnh lý, TTT - xét nghiệm... Đôi khi thuật ngữ “TTT” được sử dụng chỉ những phản ứng vật lý - hóa học xảy ra khi các thuốc được trộn lẫn trong dịch truyền, gây ra kết tủa hoặc sự mất hoạt tính, gọi là tương kị.

tuong-tac-thuoc.jpg

Ảnh hưởng của đồ ăn đến thuốc: Thức ăn, đồ uống ảnh hưởng đến dược động học của thuốc do làm thay đổi hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ; thay đổi tác dụng và độc tính thuốc… thức ăn làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày, làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột, làm hoạt hóa hệ thống enzym vận chuyển thuốc qua thành ruột; các hợp phần thức ăn như nhiều đường, giàu chất béo, nhiều muối hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột ảnh hưởng không tốt đến những thuốc kém bền trong môi trường acid dịch vị, làm chậm hấp thu ở ruột non. Một số thuốc nếu dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sinh lý ống tiêu hóa, ảnh hưởng đến hấp thu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ảnh hưởng của đồ uống đến thuốc: Trong mọi trường hợp, nước là đồ uống thích hợp cho các loại thuốc vì nước không gây tương kỵ khi hòa tan. Nước dễ làm trôi thuốc xuống dạ dày, tránh mắc lại ở thực quản, giảm được tác dụng gây kích thích, bên cạnh đó, nước còn làm tăng độ hòa tan thuốc hấp thu tốt hơn, làm thuốc bài xuất nhanh qua thận sẽ làm giảm độc tính, giảm tạo sỏi thận của một số thuốc.

Không dùng nước hoa quả, nước khoáng kiềm, nước ngọt đóng chai có gas để uống thuốc sễ làm hỏng thuốc, làm thuốc hấp thu nhanh, đôi khi gây độc nguy hiểm. Không dùng sữa, cà phê, chè, rượu bia để uống thuốc ví trong sữa có calci caseinat nên tạo phức chelat với thuốc (đặc biệt là với kháng sinh tetracyclin hay nhóm fluoroquinolon…) làm giảm hấp thu; cà phê, nước chè có nhiều tanin gây kết tủa nhiều thuốc là alcaloid, thuốc có chứa đồng, sắt và các yếu tố vi lượng khác; rượu, bia có tác dụng dược lý riêng, có khả năng hòa tan nhiều dược chất nên có thể gây độc khi dùng đồng thời với một số thuốc.

TTT – thuốc: Việc phối hợp thuốc trong điều trị là một thực tế không thể tránh khỏi và trong nhiều trường hợp lại rất cần thiết. TTT là hiện tượng xảy ra khi nhiều thuốc được sử dụng đồng thời trên người bệnh, sự phối hợp này làm thay đổi tác dụng hoặc độc tính của một trong các thuốc đó. Trong đa số trường hợp, người thầy thuốc chủ động phối hợp thuốc nhằm lợi dụng tương tác thuốc theo hướng có lợi để tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ hoặc để giải độc thuốc. Thế nhưng, trong thực tế điều trị có những tình huống hoàn toàn bất ngờ: Cùng một thuốc ở mức liều điều trị mà khi phối hợp với thuốc này lại giảm hoặc mất tác dụng; ngược lại, dùng với thuốc kia thì lại xảy ra ngộ độc (ví dụ như khi phối hợp clarithromycin với domperidon trong điều trị dại dày có nguy cơ làm chậm nhịp tim, nguy hiểm hơn có thể gây ngừng tim).

Khi phối hợp từ hai thuốc trở lên đều có nguy cơ xảy ra tương tác dược lực học do cạnh tranh tại vị trí tác dụng hoặc tác dụng trên cùng một hệ thống sinh lý và tương tác dược động học do thay đổi hấp thu tại vị trí đưa thuốc, thay đổi phân bố của thuốc trong cơ thể, thay đổi chuyển hóa của thuốc tại gan, thay đổi bài xuất thuốc qua thận. Tỷ lệ tương tác thuốc tăng theo cấp số nhân với số lượng thuốc phối hợp.

Vì vậy, bệnh nhân khi dùng thuốc phải tuân thủ triệt để chỉ định và những hướng dẫn sử dụng thuốc về liều dùng, thời điểm dùng thuốc trong ngày, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc… để tránh sai lầm đáng tiếc xảy ra.

DSCKI Nguyễn Trọng Dự (Khoa Dược, Bệnh viện E T.Ư)

Theo Đời sống
back to top