Từ vụ pate Minh Chay: Hiểm họa ngộ độc botulinum

(khoahocdoisong.vn) - Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến 31/8 đã có khoảng 20 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TPHCM có những dấu hiệu liệt cơ, nhược cơ, khó thở... liên quan đến pate Minh Chay.

Nhiều loại ngộ độc botulinum

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bạch Mai cho biết, riêng trong sáng 31/8, có thêm 4 bệnh nhân nhập viện, nâng tổng số người đang điều trị lên 10 người. 

Điều đáng lo ngại là nhiều người bệnh nặng phải thở máy nhưng chưa có thuốc điều trị. TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, đây là lần đầu tiên Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc độc tố botulinum, vì vậy không có sẵn thuốc giải độc đặc hiệu. Đến ngày 29/8, 2 lọ thuốc giải độc đã nhập từ Thái Lan về được sử dụng luôn cho 2 bệnh nhân nặng nhất. Giá mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000USD, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ. Với những bệnh nhân nhẹ hơn, sẽ điều trị bổ trợ là chính.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hơn 30 năm qua ông chưa từng gặp hàng loạt ca ngộ độc như thế này. Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đã lần lượt tiếp nhận và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn cùng một loại thực phẩm pate chay đóng hộp. Các bệnh nhân chuyển từ các tỉnh (Khánh Hòa, Đồng Nai, Vũng Tàu) đến trong tình trạng còn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi sức cơ từ 2 - 4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy. Các bệnh nhân được điều trị hỗ trợ với thở máy; thay huyết tương (5 lần, cách nhật); vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu…

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TPHCM yêu cầu thống kê danh sách bệnh nhân ngộ độc do độc tố botulinum có trong patê Minh Chay, báo cáo diễn biến của bệnh nhân và những kinh nghiệm trong phát hiện, chẩn đoán ca bệnh, báo cáo khẩn về Cục Quản lý khám chữa bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, botulinum là một trong những chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết, gây độc cho tế bào thần kinh; do vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra. 

TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết,  C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum. Ngộ độc botulinum thường có liên quan đến những loại rau quả ngâm hoặc muối, thường là tự làm tại nhà. Tuy các loại thực phẩm đóng hộp công nghiệp cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn.

Các chuyên gia cho biết, ngoài thực phẩm còn nhiều con đường khác có thể gây ngộ độc botulinum. Chẳng hạn, ngộ độc botulinum ở trẻ sơ sinh dưới 6 tuổi nuốt phải bào tử vi khuẩn C. botulinum có trong bụi bẩn hoặc từ mật ong và nở thành vi khuẩn và sinh sôi trong cơ thể. Các bào tử có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, sinh sôi và tiết ra chất độc; Ngộ độc botulinum do hít phải bào tử vi khuẩn; Ngộ độc botulinum do điều trị y khoa: Tình trạng này có thể xảy ra khi tiêm quá nhiều botox trong các quá trình thẩm mỹ hoặc y tế. BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hằng năm, trên thế giới có rất nhiều phụ nữ bị tai biến nhiễm độc, thậm chí có người tử vong, do tiêm botox xóa nếp nhăn.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay đang được điều trị.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay đang được điều trị.

Cần biết cách phòng tránh

Các chuyên gia cho biết, dù bị nhiễm độc botulinum qua con đường nào thì các triệu chứng hầu như đầu như nhau. Triệu chứng đặc trưng nhất chính là cảm giác yếu cơ bắt đầu từ mặt và lan dần xuống cổ, rồi toàn bộ cơ thể. Các triệu chứng khác bao gồm: Nhìn đôi hoặc nhìn mờ, sụp mí mắt, khó nuốt, nói lắp bắp, khó thở, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó, người bị ngộ độc có thể gặp khó khăn trong đại, tiểu tiện. Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng có thể tiến triển gây liệt các chi, thậm chí liệt cơ hô hấp. Ngộ độc botulinum do thực phẩm có thể xuất hiện từ 18 - 36 giờ sau khi ăn, tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sớm chỉ trong vòng 6 giờ. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể không xuất hiện cho đến 14 ngày. Cũng có khi, các triệu chứng chỉ xuất hiện sau 1 tuần – 10 ngày. 

Những trường hợp nhiễm độc nặng có thể để lại các vấn đề về hô hấp dài hạn, bao gồm khó thở và nhanh mệt, còn đa phần vẫn có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngộ độc. Những trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần đến vài tháng. Nhưng những trường hợp nặng có thể mất đến vài tháng hoặc vài năm để bình phục hoàn toàn. Nếu không được điều trị, ngộ độc botulinum có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Ngộ độc botulinum không lây từ người sang người. Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyên khi tự muối các loại rau quả và đóng lọ, hãy chắc chắn tay, lọ đựng và các dụng cụ phải sạch nhất có thể. Rửa sạch và cất các nguyên liệu cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn trước khi đóng hộp.

Chất độc botulinum có thể bị triệt tiêu ở nhiệt độ cao, do vậy, nếu có thể, hãy đun nóng thực phẩm đóng hộp trong vòng 10 phút để diệt khuẩn. Làm lạnh đúng cách cũng là một trong những phương pháp phòng ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn C. botulinum.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top