Tù tại gia là một chính sách nhân văn

(khoahocdoisong.vn) - Phương án tù tại gia là một chính sách nhân văn nên nghiên cứu áp dụng với một số loại tội danh nhất định.

LS Chu Văn Vẻ, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, thực tế đáng buồn là các trại giam chưa làm tốt chức năng cải tạo. Phạm nhân trong trại tam giam sống cuộc sống bị cưỡng bức nhiều hơn là cải tạo. Phương án tù tại gia là một chính sách nhân văn nên nghiên cứu áp dụng với một số loại tội danh nhất định.

Nhà tù đang là trại giam đúng nghĩa đen

Chiều 12/11, thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Là người có nhiều năm làm trong ngành tòa án, tiếp xúc nhiều với các phạm nhân, ông nghĩ sao về đề xuất này?

Tôi rất đồng tình với đề xuất này và hy vọng tới đây, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để bổ sung thêm hình thức phạt tù này. Ở các nước khác thì hình thức tù tại gia không mới, nhưng Việt Nam thì chưa thực hiện bao giờ. Tù tại gia thực sự là một chính sách nhân văn, vì con người, hướng đến khả năng giáo dục, cải tạo tự thân và vai trò của gia đình với người phạm tội. Thực tế có những tội phạm không bao giờ có điều kiện để tái phạm như những tội liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Hoặc những tội phạm không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, thì nên áp dụng tù tại gia.

Hình thức tù tại gia sẽ phải được quản lý khác với trại giam ra sao?

Khác nhau rất nhiều chứ. Có một thực tế rất đáng buồn mà ít người nói, đó là tình trạng ở các trại giam hiện nay đang thiên về cưỡng bức hơn là chức năng cải tạo. Cho dù, trên lý thuyết, tù nhân vẫn được cải tạo bài bản, nhân phẩm phục hồi, được đánh giá là tốt. Nhưng thực tế, họ bị cưỡng bức lao động, cưỡng bức cuộc sống. Họ mất hết quyền tự do thì đương nhiên, nhưng việc cưỡng bức đó không khiến họ được cải tạo. Nhiều người sau khi được cải tạo chưa chắc đã tốt hơn, bởi họ bị cưỡng bức.

Vì sao ông lại nói vậy, liệu ông có tiêu cực quá?

Tôi đến các trại giam nhiều, tôi thấy rõ điều đó. Một tù nhân thường đem theo rất nhiều gánh nặng cho gia đình, thậm chí là gánh nặng cho nhiều thế hệ. Vợ chồng, bố mẹ, ông bà, con cái… đều bị ảnh hưởng nếu trong gia đình có người vào tù. Họ gần như mất hết, không những thế người thân của họ khốn khổ. Vậy thì chức năng cải tạo của nhà tù đã làm tốt hay chưa?

Nhưng đó là cái giá họ phải trả?

Đương nhiên nhà thế, nhưng vào tù thì họ cũng là con người. Ngày trước khi đến các nhà tù, tôi thấy đất đai rộng mênh mông, tôi tự hỏi, sao không để gia đình các tù nhân được lên đây sinh sống cùng tù nhân, cho họ đất canh tác, tạo công ăn việc làm cho họ. Việc họ bị cưỡng bức mọi thứ trong cuộc sống có thể ở góc độ nào đó làm cho họ khó mà tốt hơn, lương thiện hơn.

Vậy theo ông nên có nhiều hình thức giam giữ khác trại giam?

Tù tại gia là một giải pháp nhân văn, vì con người. Hiện mỗi tù nhân đều được Nhà nước chi trả kinh phí tiền ăn uống, sinh hoạt… rất tốn kém. Nếu có hình thức tù tại gia thì giảm được một khoản kinh phí lớn.

Cẩn trọng để không lạm dụng

Chắc hẳn không phải loại tội phạm nào cũng giao về cho gia đình?

Đúng thế, có những loại tội phạm rất nguy hiểm, sẵn sàng giết người, thậm chí là người thân, cướp của bất cứ khi nào có cơ hội, côn đồ đánh người mọi nơi… thì phải quản lý bằng trại giam. Điều này chỉ nên áp dụng cho một số tội nhẹ, còn tội phạm về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải cách ly với xã hội. Còn có những loại tội nhẹ như cố ý gây thương tích, hay cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn… thì có thể áp dụng hình phạt tù tại gia.

Nhưng chắc hẳn sẽ phải quy định rõ ràng đối tượng áp dụng?

Đúng thế, chủ trương này là tốt nhưng thực hiện như thế nào lại là một vấn đề, chỉ sợ là người ta lạm dụng, có tiêu cực, áp dụng cho những loại tội phạm mà đáng lẽ phải ở trại giam.

Tù tại gia như vậy có khác an treo chúng ta áp dụng hiện nay không thưa ông?

Thực ra tù tại gia xuất phát từ án treo. Tù tại gia nghiêng về chức năng giáo dục hơn án treo. Theo đó thì chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án và gia đình phải có trách nhiệm với tù nhân. Nếu kiểm tra bất chợt mà vi phạm thì sẽ bị xử lý ở hình thức nặng hơn. Tuy nhiên, phải quy định chi tiết, kỹ càng hơn, hệ thống quản lý như thế nào, giáo dục tội phạm ra sao… Quan trọng nhất là có cách để không phát sinh tiêu cực.

Có vẻ như ông luôn trăn trở về vấn đề tiêu cực?

Là bởi trong trại giam hiện nay, nhiều khi phạm nhân có giấy chứng nhận cải tạo tốt đấy, nhưng thực tế thì là do cái abc đằng sau đó chứ không phải vì họ thực sự được cải tạo tốt. Không tiện nói ra, nhưng tiêu cực hiện nay có từ A đến Z, thì chúng ta làm gì cũng phải đề phòng, cẩn trọng.

Tôi thấm lắm!!!

Theo ông, để xảy ra những tiêu cực như ông vừa nói là do lỗ hổng nào?

Thực ra các quy định, chính sách, văn bản giấy tờ chúng ta có đầy đủ hết và rất kín kẽ rồi. Vấn đề ở đây là người thực thi. Cớ làm sao mà những người đáng lẽ phải rất trong sạch, rất liêm chính như ông Vĩnh, ông Hóa trong vụ đánh bạc nghìn tỉ, lại có thể nhúng chàm như vậy. Hàng nghìn tỉ đút túi các đối tượng cũng là hàng nghìn gia đình, hàng chục nghìn số phận rơi xuống vực, lâm vào nợ nần cùng quẫn… Tất cả là do người thực hiện mà thôi.

Điều ông day dứt nhất trong nhiều năm làm thẩm phán của mình là gì?

Tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những phạm nhân, tội phạm và cả người không phạm tội, tôi thấm lắm. Điều day dứt của tôi là chuyện phạm nhân bị cưỡng bức đủ thứ, mất đi hết quyền con người, dẫn đến con đường hoàn lương của họ trở nên xa ngái hơn. Giá mà sống trong trại giam, nhưng họ được sống, được làm việc như một con người bình thường, chứ không phải là cưỡng bức, thì chắc có lẽ sẽ tốt hơn.

Ông kỳ vọng gì vào đề xuất áp dụng tù tại gia?

Tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe, nghiên cứu, xem xét thấu đáo để có những quy định nhân văn, vì con người, vì một xã hội tốt đẹp hơn!

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng cho rằng hình thức "tù tại gia" cũng sẽ có tác dụng về răn đe, giáo dục bởi với tâm ký người Á Đông, nếu được sống với gia đình thì sẽ có tính giáo dục cao, người nào thương cha mẹ, con cái thì sẽ không phạm tội nữa. Người thân trong gia đình của họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cái. "Tôi nghĩ những tội như cố ý gây thương tích, hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em… Hay những tội không nghiêm trọng thì áp dụng được, còn những tội nghiêm trọng vẫn phải cách ly khỏi xã hội, đưa vào tù tập trung", ông Hồ Đức Phớc phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi, còn ở ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm 3 lần để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Bà Nga đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho đi "tù tại gia" của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top