Từ những vụ trẻ tự tử: Để tránh những bi kịch đau lòng

Liên tiếp những vụ việc trẻ tự tử xảy ra khiến các bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng.

Khi cha mẹ và con không cùng ngôn ngữ yêu thương

Ngày 1/4 vừa qua, vụ việc nam sinh lớp 10 ở Hà Nội để lại thư tuyệt mệnh, nhảy lầu đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Nỗi đau chưa nguôi, ngay sau đó, hàng loạt những vụ trẻ em tự tử xảy ra. Và gần đây nhất, ngày 12/4, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) đã đu dây từ tầng 20, kịp thời giải cứu một nam sinh lớp 9 cầm dao, có ý định nhảy từ tầng 19 chung cư xuống đất tự tử.

nam-sinh-lop-9-tu-tu.jpeg
Cảnh sát đã đu dây từ tầng 20, kịp thời giải cứu một nam sinh lớp 9 cầm dao, có ý định nhảy từ tầng 19 chung cư xuống đất tự tử.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ cảm thấy lo lắng, bất an. Dường như, đã có một “hiệu ứng dây chuyền” tâm lý, trẻ bắt chước nhau tự tử. Trên các diễn đàn, cũng đã có không ít chia sẻ của các học sinh cho biết, mình cũng từng/đang có ý định tự tử.

Làm thế nào để cùng con bước qua tuổi vị thành niên một cách an toàn, tránh được những bi kịch đau lòng tương tự… là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Không ít những ý kiến đã lên án các bậc cha mẹ đã quá khắt khe với con của mình, đặt lên vai con nhiều áp lực.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, TS Trần Vân Anh, nguyên giảng viên Đại học Thủ Đô chia sẻ, chị đã bất ngờ với những suy nghĩ của con gái chị, 18 tuổi, đang học lớp 12 về những vụ việc trẻ tự tử.

Con gái chị cho biết, nhiều người lên án những ông bố bà mẹ đã khắc nghiệt, đặt áp lực học tập lên vai con mình, nhưng theo con gái chị mấu chốt lớn nhất là ở giữa cha mẹ và con cái đã không cùng ngôn ngữ yêu thương. Nói một cách khác là cha mẹ yêu con không đúng cách mà con cái của họ có thể cảm nhận được. Và chị hoàn toàn đồng ý với con gái về quan điểm đó.

Theo TS Trần Vân Anh, nhiều cha mẹ đã yêu thương theo cách bao bọc con, làm thay, quyết định thay con trong nhiều việc, như là chọn trường cho con, chọn lớp học thêm cho con, chọn bạn cho con, chọn quần áo cho con, chọn món ăn cho con…

Họ theo sát con trong mọi bước đi của con, đưa con đến trường mỗi sáng, đón con đi học từ nơi học thêm về mỗi tối. Họ sẽ làm tất cả để con của họ an toàn và bản thân họ cũng an tâm khi lúc nào con của họ cũng trong tầm tay, tầm mắt.

Họ yêu thương con và lo cho tương lai con cái ngay từ khi chúng học tiểu học. Cha mẹ tìm hiểu trường và chọn trường ưng ý và phù hợp nhất cho con vào học, có người cẩn thận chọn cả cô chủ nhiệm cho con.

Mỗi thành quả con đạt được, cha mẹ hãnh diện khoe với bạn bè, người thân và khoe trên mạng xã hội…

Trong khi đó, những đứa con lại mong nhận yêu thương theo cách chúng cảm nhận được tình yêu, chứ không phải theo cách bố mẹ chúng áp đặt. Những đứa trẻ cần được lắng nghe và được tôn trọng. Chúng cần được bày tỏ ý kiến thay vì bị quy kết là hỗn láo, hay cãi lại bố mẹ. Những đứa trẻ muốn tìm được sự an toàn khi về nhà, nhà là nơi nương tựa vững chắc trước những vấn đề khó khăn mà đứa trẻ gặp phải bên ngoài gia đình.

“Khi không được bố mẹ hiểu, chúng thu mình vào, hoặc tìm đến những người bạn. Một khi, thế giới ngoài kia xảy ra sự việc không như ý, gia đình không là nơi an toàn cho chúng nương náu, sức khỏe tâm thần của chúng bị tổn thương, có những đứa trẻ chọn cách chấm dứt cuộc đời dù chúng còn vương vấn tiếc nuối”, TS Trần Vân Anh chia sẻ.

Lắng nghe, đồng cảm và chân thành

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở độ tuổi vị thành niên các em đang có những biến đổi về mặt sinh học, các em nhạy cảm hơn với những áp lực, hoặc việc bị thiếu tôn trọng…

Thực tế, các bố mẹ rất yêu thương, quan tâm đến các con, nhưng các con không hiểu được, hoặc do cách bố mẹ thể hiện khiến các con không hiểu được. Ví dụ, bố mẹ muốn gọi con dậy đi học nhưng lại nói: “Này, dậy đi, ngủ mãi thế”, hoặc khi con có điều gì muốn nói, gọi “mẹ ơi” thì mẹ lại bảo: “Nói gì nói nhanh lên, còn bao việc”… Những điều đó, khiến đứa trẻ hiểu lầm rằng cha mẹ không yêu thương, hoặc không quan tâm đến mình.

Ngoài ra, chính bản thân bố mẹ cũng bị stress, có những căng thẳng, áp lực từ cuộc sống, nên vô thức sẽ phản ứng với con theo nhiều cách: Có thể cáu kỉnh, tấn công con bằng ngôn ngữ; Đi làm về rút vào phòng riêng để được “yên thân”; Sự mệt mỏi khiến cảm xúc “tê liệt”, con nói gì cũng “ờ, ờ”, khiến con thấy bố mẹ thờ ơ; Hoặc lại có thể chiều con, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ về vật chất, nhưng trẻ không cần điều đó…

Tất cả những điều đó có thể đẩy khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa nhau.

Để khoảng cách này rút lại, theo PGS.TS Trần Thành Nam, giữa cha mẹ và con cái cần phải có sự thấu hiểu lẫn nhau.

Các con cần hiểu rằng đằng sau sự nóng giận của bố mẹ, là sự yêu thương, lo lắng cho con. Và bố mẹ cần phải hiểu, đằng sau hành vi cáu giận của con là căng thẳng, stress, bị tổn thương, con đang cần quan tâm, vỗ về, an ủi.

Bố hãy lắng nghe, đồng cảm và chân thành. Hãy tôn trọng và cho phép con nói ra tất cả cảm xúc của mình.

“Hãy nói với con: Con rất quan trọng với bố mẹ, khi con có chuyện mẹ luôn ở bên cạnh con, mẹ không để cho con một mình đâu. Để khi con rơi vào bế tắc, rơi vào cảm xúc trầm trọng thì vẫn có một lối thoát. Đừng dùng những từ như: Có gì mà chán, đó thiếu lý trí, đó là lười… Như vậy, có thể con sẽ nghĩ rằng bố mẹ không hiểu được mình, từ đó không bao giờ nói với bố mẹ nữa. Và đây có thể là bước ngoặt để con có những hành vi dại dột mà bố mẹ không lường trước được”, ông Nam nói.

Chỉ còn vài tháng nữa là học sinh cuối cấp bắt đầu bước vào các kỳ thi, có thể chất thêm lên các em nhiều áp lực tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, việc thi cử luôn căng thẳng đối với các gia đình. Năm nay, do học online kéo dài, sự căng thẳng có thể còn tăng cao hơn nữa. Lý do là vì, học online kéo dài, với những học sinh không có khả năng tập trung chú ý, thì về cơ bản không học được, dễ bị bỏ lại phía sau.

Trong khi các em vẫn còn đang mang gánh nặng stress từ việc học online chưa giải tỏa được thì lại phải đối diện với việc học để thi càng làm các em bị áp lực.

Để giảm căng thẳng cho các em, phụ huynh cần hướng cho các em chuẩn bị bước vào kỳ thi với sự tự tin.

Các phụ huynh cần làm cho các em thấy kỳ thi không còn đáng sợ, không phải là thứ quyết định tương lai của các em. Ngược lại, sẽ có nhiều con đường để vào cuộc đời. Cũng không thể đánh giá tài năng, năng lực của con người chỉ qua một vài điểm số thi, mà mỗi người có thể có những năng lực khác nhau.

Ngoài ra, phụ huynh cần đồng hành với các con trong việc tìm ra những phương pháp học tập tốt, và giúp con cân bằng giữa việc học, nghỉ ngơi, rèn luyện thể chất…

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top