Từ năm 2018 sẽ công khai hồ sơ ứng viên giáo sư

Những kinh nghiệm sau đợt xét công nhận GS, PGS năm 2017 sẽ được đưa vào văn bản quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS mới. Từ năm 2018, các hội đồng cũng sẽ công khai hồ sơ của các ứng viên.

GS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cho biết, ban soạn thảo đang trong quá trình hoàn thiện văn bản thay thế các quyết định 174 và quyết định 20 quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Điểm mới đáng chú ý là những bài học kinh nghiệm rút ra sau đợt xét công nhận GS, PGS năm 2017 sẽ được bổ sung đưa vào văn bản mới.

GS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Ảnh: Lê Văn.

Đặc biệt, từ năm 2018, hồ sơ của các ứng viên xét duyệt sẽ được công khai để dư luận cùng được biết.

“Hồ sơ ứng viên sẽ được công khai trên cả 2 kênh là trang thông tin điện tử của các hội đồng cơ sở (trường) và của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trước khi hội đồng các cấp xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS . Sau khi xem xét, hồ sơ ứng viên được thông qua ở hội đồng ngành cũng được công khai để xã hội cùng đánh giá. Trường hợp hồ sơ ứng viên nào dư luận thấy không đạt chuẩn có thể phản ánh lên để thanh tra Bộ GD-ĐT và hội đồng xác minh trước khi trình lên cấp trên xem xét, công nhận”, ông Ga chia sẻ.

Cùng đó, theo GS Ga, văn bản sắp tới cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của hội đồng các cấp trong việc để xảy ra sai sót, lọt hồ sơ không đạt chuẩn và đưa ra chế tài xử phạt rõ với cơ sở giáo dục xác nhận không chính xác hồ sơ cho ứng viên.

“Như năm 2017, với 31 đơn vị làm không đúng, chỉ có thể yêu cầu rút kinh nghiệm, còn việc xử phạt với hình thức như thế nào không được làm mạnh tay do văn bản cũ trước đây không nêu rõ. Giờ đây, chúng tôi đưa vào để sau này có sai phạm ở đâu thì sẽ xử lý tới đó. Chi tiết về hình thức xử lý sẽ có cụ thể trong văn bản tới”, ông Ga cho hay.

Hiện tổ soạn thảo chưa thống nhất giữa 2 phương án bỏ phiếu kín hay công khai khi xét đạt tiêu chuẩn hồ sơ ứng viên; tỷ lệ đạt cần bao nhiêu phần trăm… do có nhiều ý kiến trái chiều. Tổ soạn thảo sẽ tập hợp ý kiến rồi trình lên Thủ tướng, qua đó lựa chọn phương án phù hợp nhất.

GS. Ga cũng cho biết, bản dự thảo cuối cùng thay thế quyết định 174 và quyết định 20 lần này sẽ không tiến hành lấy ý kiến dư luận do trước đó đã nhiều lần công khai xin góp ý. Văn bản này sẽ được tổ soạn thảo gửi đến một số đơn vị có liên quan nhiều như các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên ngành,… để nhận ý kiến và hoàn chỉnh.

“Đây sẽ là lần sửa cuối cùng và chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện, dự kiến áp dụng luôn từ năm nay 2018”, ông Ga nói.

Từ năm 2018 sẽ công khai hồ sơ ứng viên GS, PGS. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Quy định mới vẫn gồm 2 bước xét đạt tiêu chuẩn của HĐCDGSNN và bổ nhiệm GS, PGS của trường đại học. Tuy nhiên, tiêu chuẩn với các ứng viên xét bổ nhiệm GS, PGS tới đây sẽ nhiều hơn và cũng cao hơn, nhất là yêu cầu về công bố quốc tế.

Quy định mới yêu cầu các ứng viên GS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải là tác giả chính của bài báo và đã công bố được ít nhất: 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học.

Đối với ứng viên chức danh PGS, các tiêu chí cũng được nâng lên đáng kể. Ngoài yêu cầu thâm niên giảng dạy tại trường ĐH ít nhất là 6 năm, dự thảo mới yêu cầu ứng viên PGS phải có bằng tiến sĩ đủ 3 năm trở lên.

Những trường hợp chưa đủ 3 năm phải có gấp 2 lần các điều kiện về số công bố quốc tế, sách giáo trình, đề tài khoa học và học viên hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ.

Các ứng viên phải chủ trì thực hiện ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ hoặc tương đương hoặc 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Ứng viên phải hướng dẫn ít nhất 3 học viên đã được cấp bằng thạc sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính ít nhất 1 nghiên cứu sinh hoặc hướng dẫn phụ 2 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Ngoài ra, ứng viên phải có tối thiểu đủ 8 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó, ít nhất 2 điểm công trình khoa học được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;

Các ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 4 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có ít nhất 3 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 1 điểm công trình khoa học tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có ít nhất 2 điểm công trình khoa học tính từ sách phục vụ đào tạo.

Theo Thanh Hùng (Vietnamnet)

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top