Tự chủ tài chính ở đại học công lập đang xây dựng kiểu “đầu mở, đuôi thắt”

(khoahocdoisong.vn) - Cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập đang được xây dựng theo kiểu đầu mở đuôi thắt, “đoạn đầu” được tự chủ nhưng “đoạn sau” lại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đoạn đầu tự chủ, đoạn sau lại theo quy định pháp luật hiện hành

Trong bài viết Tự chủ tài chính đại học công lập và những vướng mắc cần tháo gỡ, các tác giả Trần Quang Trung, Nguyễn Thị Lan, Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, có một thực trạng là khi đề cập tới giáo dục đại học, xã hội đều đánh giá chất lượng đào tạo đại học ở nước ta hiện nay còn thấp, còn có một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...

Thế nhưng, đây lại là điều dễ hiểu nếu so sánh trong mối quan hệ đầu ra (chất lượng đào tạo) với đầu vào (đầu tư cho giáo dục đại học) giữa Việt Nam và các nước phát triển.

Chẳng hạn, trung bình mỗi sinh viên học tại các trường đại học công lập ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 chỉ phải đóng mức học phí từ 7 - 10 triệu đồng/năm tùy theo ngành học, trong khi, mức học phí bình quân quy đổi ra đồng VND mà lưu học sinh Việt Nam phải trả cho các trường đại học ở nước ngoài tuỳ theo từng trường và từng ngành đào tạo khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/năm (gấp khoảng 50 lần so với Việt Nam).

Nếu căn cứ vào lệ GDP bình quân theo đầu người với suất chi đào tạo đại học bình quân đối với chương trình đại trà như ở các nước trong khu vực thì mức học phí tối thiểu năm 2019 được xác định khoảng 79,5 triệu đồng/sinh viên/năm ((gấp khoảng 9 lần so với Việt Nam).

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này một phần quan trọng là do các nút thắt về mặt cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập và các rào cản trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập chưa được tháo gỡ. Và một trong các vấn đề chính đó là cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập đang được xây dựng theo kiểu đầu mở đuôi thắt.

Một điều thường thấy trong các điều khoản quy định của các văn bản pháp luật về tự chủ tài chính đại học công lập là “đoạn đầu” được tự chủ nhưng “đoạn sau” lại theo quy định của pháp luật hiện hành. Luật Giáo dục đại học không phải là “luật mẹ” của các luật khác nên vẫn phải thực hiện tất cả các luật khác trong việc chi tiêu, đầu tư, mua sắm.

“Cái khó là nếu làm đúng tất cả các luật thì việc thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập rất hạn chế, còn nếu không thực hiện theo hoặc thực hiện không đầy đủ, khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán chắc chắn sẽ bị kết luận là không thực hiện đúng quy định của pháp luật, chắc chắn sẽ bị kiến nghị xử lý tài chính”, trích ý kiến của PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TPHCM phát biểu tại Hội thảo Cơ chế tự chủ đối với trường đại học công lập, được tổ chức Bởi Kiểm toán Nhà nước ngày 19/3/2019 tại Hà Nội..

Sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản luật và dưới luật làm cho môi trường tự chủ tài chính đại học công lập trở nên “khó sống”, cản trở quyền tự chủ tài chính của các trường đại học.

Cụ thể, một số ví dụ điển hình như: Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công vẫn chưa được ban hành, trong đó quan trọng nhất là xác định lại nguồn vốn đầu tư của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là nguồn vốn gì (vốn do ngân sách để lại, vốn có nguồn gốc ngân sách hay vốn khác?) và khấu hao tài sản hình thành từ vốn vay được trích lập vào quỹ phát triển sự nghiệp thì được tính vào nguồn vốn nào?;

Luật Viên chức hiện hành vẫn áp dụng chế độ “viên chức suốt đời” làm cho việc áp dụng chi trả lương theo vị trí việc làm và trên nguyên tắc hiệu quả công việc chưa thể nào triển khai đầy đủ được;

Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, trong đó có nội dung tự chủ tài chính, cho đến nay đã hết một “chu kỳ sống” trung bình nhưng vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ do chưa có các “nghị định con” để hướng dẫn thực hiện;

Chủ trương thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học cho đến nay vẫn chưa được sửa đổi trong Luật doanh nghiệp và các văn bản dưới luật; Cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư được quản lý, tổ chức hạch toán như doanh nghiệp nhưng cho đến nay các văn bản luật và dưới luật về kế toán vẫn còn áp dụng theo các quy định cũ;

Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước nhưng thực tế bị ràng buộc bởi quy định của Luật Đấu thầu hiện hành;…

“Với cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập theo kiểu “đầu mở, đuôi thắt” như hiện nay, tự chủ đại học không bị chậm trễ mới là điều khó hiểu, nhất là trong nhiều trường hợp các cơ quan chủ quản và thanh tra, kiểm toán còn vin vào các quy định này để gây khó dễ cho cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ. Rõ ràng, việc thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật đang làm chậm tiến trình tự chủ đại học, thậm chí là trái với chủ trương lớn của Đảng về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính đại học công lập nói riêng”, các tác giả nêu.

Tự chủ có đồng nghĩa với tự lo?

Một vấn đề cản trở thứ hai, đó là, việc phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang bị hiểu sai hoặc cơ quan chức năng “bê trễ” trong việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước.

Có một thực tế hiển hiện là các trường đại học công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 của Chính phủ đều bị “cắt” ngay khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên.

“Điều này có thể được hiểu rằng “tự chủ” đồng nghĩa với “tự lo” không? Không thể hiểu rằng tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính đại học công lập nói riêng theo nghĩa “tự chủ” đồng nghĩa với “tự lo” được, vì rằng nó sẽ không làm cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển theo xu hướng chung của thế giới được do không ai hay thực thể nào muốn “rước mối lo” vào mình cả”, các tác giả đặt câu hỏi.

Hơn nữa, các nghị quyết và văn bản của Chính phủ đã nêu rõ chủ trương đổi mới giáo dục đại học và tiến trình thực hiện tự chủ tài chính đại học công lập hướng đến việc phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công.

Tuy vậy, đã 5 năm trôi qua tính từ khi Nghị định 16/2015/NĐ-CP ra đời đến nay, các cơ sở và điều kiện để triển khai thực hiện phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học (ví dụ như danh mục sản phẩm và dịch vụ công được sử dụng NSNN, đơn giá dịch vụ, tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp, tiêu chuẩn đánh giá việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công…) vẫn chưa được ban hành.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top