Tự bôi thuốc mặt sưng đỏ

(khoahocdoisong.vn) - Chàm là loại bệnh tổn thương ngoài da có nhiều căn nguyên, chữa trị khó khỏi dứt điểm. Việc điều trị kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm, làm giảm mụn nước da bớt đỏ khô rát và loại bỏ các mảng da sần nứt nẻ là cần thiết.

Mấy hôm nay thời tiết nóng, không hiểu sao mặt mũi con chị Hà Bích Hằng (Ninh Bình) lên đầy các mảng như có mụn nước, đỏ rực. Cháu bé khó chịu, quấy khóc, không chịu ăn, ngủ không ngon giấc làm chị mệt nhoài. Nghĩ con chỉ bị bệnh ngoài da do nóng bình thường, chị Hằng ra hàng thuốc mua cho con tuýp thuốc mỡ bôi để cho mát nhưng bôi xong, bệnh không những không đỡ mà mặt cháu còn đỏ và sưng hơn. Lo lắng, chị đưa con đến viện khám, bác sĩ nói cháu bị chàm thể tạng và cho một số thuốc về bôi, dặn giữ cho da cháu mát mẻ thì bệnh mau khỏi.

Lời bàn: BS.Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu) cho biết, chàm là loại bệnh tổn thương ngoài da có nhiều căn nguyên, chữa trị khó khỏi dứt điểm. Việc điều trị kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm, làm giảm mụn nước da bớt đỏ khô rát và loại bỏ các mảng da sần nứt nẻ là cần thiết. Khi mới bị chàm nên cho con tới viện khám ngay. Trong những trường hợp nhẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để khống chế triệu chứng bệnh như ngâm rửa tổn thương bằng nước lá rau sam. Rau sam giã nhỏ bôi lên vết chàm ngày vài lần hoặc lấy vỏ cây hoàng bá nam nấu nước ngâm, có thể sắc đặc bôi lên tổn thương ngày vài lần. Nếu cháu lớn có thể dùng thêm thuốc uống. Sử dụng bài Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: Ngưu bàng tử, kinh giới, liên kiều, chi tử, đơn bì, thạch hộc, huyền sâm, hạ khô thảo, cát căn 4-6g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu người lớn bị chàm có thể nâng liều gấp 3 lần.

Theo Đời sống
back to top