Tự bào chế hoa cúc chữa bệnh, làm đẹp

(khoahocdoisong.vn) - Hoa cúc dùng làm thuốc còn gọi là cúc diệp, dược cúc, cam cúc hoa, bạch cúc hoa. Cuối mùa thu, đầu mùa đông, khoảng tháng 9 đến tháng 11, khi hoa nở cắt cả cây, phơi khô trong chỗ râm mát rồi ngắt lấy hoa dùng dần chữa bệnh, làm đẹp.

Có 2 cách thu hái hoa cúc. Có thể nhổ cả cây, để chỗ râm mát cho khô dần. Cũng có thể chỉ hái lấy hoa, phơi hoặc sấy khô. Hoa làm thuốc phải khô, đóa nguyên vẹn, mầu tươi sáng, thơm, không có cành, cuống, lá, mùi thơm mát, vị ngọt, hơi đắng là tốt.

Bào chế: Lúc hoa mới chớm nở, hái về, phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong râm, dùng tươi tốt hơn. Muốn để được lâu thì xông hơi Lưu hoàng 2-3 giờ, thấy hoa chín mềm là được, rồi đem nén độ một đêm, thấy nước đen chảy ra, phơi khô cất dùng.

Hoa cúc dễ mốc, sâu mọt nên chú ý để nơi khô ráo, xông diêm sinh định kỳ. Không nên phơi nắng nhiều vì mất hương vị và nát cánh hoa, biến mầu. Cũng không được sấy quá nóng chỉ nên hong gió cho khô.

Theo y học cổ truyền, cúc hoa có vị ngọt, tính bình, vào kinh Phế, Thận, làm thanh sảng được đầu và mắt, trị chóng mặt, thông huyết mạch, yên trường vị, tươi nhan sắc, khỏi đau mắt, đau lưng, mộng thịt ở mắt, chảy nước mắt.

Cúc hoa cũng có tác dụng thanh phong, khử nhiệt, làm khỏi nóng nảy, chữa chóng mặt, váng đầu, phong nhiệt, mắt đau, nhức trong đầu, phong chạy quanh, thông lợi huyết mạch. Cúc hoa cho vào trong bao làm gối có tác dụng sáng mắt; phòng bệnh về mắt.

Theo sách Vương Tử Kiều, dùng cam cúc lâu ngày giúp tăng tuổi thọ: Cam cúc chọn hái mầm non vào ngày Dần tháng 3 gọi là “Ngọc anh”. Chọn lá vào ngày Dần tháng 6 gọi là “Dung thành”, chọn hoa vào ngày Dần tháng 9 gọi là “Kim tinh”, hái thân rễ vào ngày Dần tháng Chạp gọi là “Trường sinh”. Bốn loại đó đều phơi 5 ngày, rồi lấy mỗi thứ bằng nhau làm thành một chỗ, giã nát, tán bột.

Mỗi ngày uống 4g với rượu hoặc dùng mật chế thành viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 7 viên với rượu, ngày 3 lần, uống liên tục 100 ngày rất tốt .

Trị chóng mặt, uống lâu làm nhan sắc đẹp, không già: Bạch cúc chọn vào ngày 9-9 (âm lịch), lấy hoa 2 cân cùng phục linh một cân, tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu nóng, ngày 3 lần.

Trị âm hộ sưng đau: Cúc hoa ngọn non, giã nát, sắc lấy nước xông, còn nước dùng để rửa.

Trị say rượu không tỉnh: Lấy cúc hoa tán bột, uống.

Trị đinh nhọt, mụn nhọt có mủ: Bạch cúc hoa 160g, Cam thảo 20g, sắc uống.

Lưu ý, những người cơ thể khí hư, vị hàn, ăn ít, tiêu chảy: không dùng

Nguyễn Thị Lệ Quyên, Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top