Từ 1/7 khám chữa bệnh phải qua đặt lịch trực tuyến: Người dân được lợi gì?

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Thực tế việc này đã nhiều bệnh viện triển khai nhưng ít người áp dụng. Khi đồng bộ hóa người dân được lợi gì?

Nhiều lợi ích, tỷ lệ người dùng vẫn thấp

Chị Phạm Trà Giang (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, khi liên hệ với bác sĩ được người quen giới thiệu chị mới biết đến dịch vụ đặt lịch khám trực tuyến cho con tại Bệnh viện Da Liễu T.Ư. Thông qua điện thoại đặt lịch chị không phải xếp hàng lấy số mà đến đúng hẹn lấy giấy khám tại phòng công tác xã hội và vào thẳng phòng khám bác sĩ chị yêu cầu. Điều này giúp chị tiết kiệm được khoảng 2 - 3 tiếng chờ đợi.

Tuy nhiên, sau đó ở các phòng xét nghiệm, chị vẫn phải xếp hàng chờ như bình thường. Vì vậy, chị mong muốn trong khi đặt lịch khám, bệnh viện có thể tư vấn cho người bệnh các xét nghiệm cơ bản và đặt trước lịch xét nghiệm thì sẽ đẩy nhanh được thời gian khám.

Bộ Y tế tổ chức triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.

Bộ Y tế tổ chức triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.

Thực tế đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị đã triển khai hệ thống này nhưng tỷ lệ người bệnh đặt lịch lại rất thấp. Ngay như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, được cho là thành công nhất thì cũng mới có gần 30% số lượng người bệnh đến khám, điều trị hằng ngày là đã đặt lịch trước. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp, mọi người vẫn đến xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng để lấy số khám bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các bệnh viện đang "làm manh mún". Hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay mỗi đơn vị (đã triển khai) lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ. Vì thế, nền tảng không được sử dụng chung. Hơn nữa, tại các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác.

Một bệnh án dùng chung 

Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Điều này có nghĩa là, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quy định hơi mạnh nhưng "với ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải mạnh và quyết liệt mới triệt để được. Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. 

Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định… trong đơn thuốc.

Đặc biệt hiện nay, BHXH đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ BHYT và mã số BHXH. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ. Điều đáng nói, những thông tin trên hồ sơ sức khoẻ này đang dừng ở dạng "tĩnh" (tức là chưa khai thác, liên thông được).

Vì thế, hồ sơ sức khoẻ điện tử này phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa. Hệ thống hồ sơ sức khoẻ và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến này cần kết nối với các dịch vụ y tế khác khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Đặc biệt tới đây, việc quản lý người đã được tiêm văcxin phòng Covid-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hoá" đồng thời liên thông với hồ sơ sức khoẻ của người dân, nhằm quản lý sức khoẻ suốt đời.

Với hệ thống này, đầu tiên người dân phải nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mình khám lúc mấy giờ, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào…

Yêu cầu thứ 2 là chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân (hệ thống toàn tuyến), giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó. Qua phần mềm này, bác sĩ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.

Theo Đời sống
back to top