TS Vũ Thế Khanh: 3 điều nên quên để minh mẫn và khỏe mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) - người chuyên nghiên cứu về tâm linh và ngoại cảm vẫn duy trì được sức khỏe dẻo dai, ăn ít, ngủ ít, làm việc 12 tiếng/ngày và trí nhớ tuyệt vời... Ông chia sẻ các bí quyết sống khỏe mạnh và minh mẫn.

Thực hành 3 điều nên quên

Mấy chục năm nay quen biết ông, tôi thấy ông thay đổi không nhiều, ông có bí quyết gì để được như vậy?

Nếu ta có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện thì đấy là hạnh phúc. Muốn vậy, thì hãy quên đi tuổi tác. Sống vui, sống khỏe và luôn hướng tới những điều nhân ái để thanh thản tâm hồn.

Muốn giữ mãi tuổi thanh xuân, càng phải chú ý điều độ lịch trình (thức dậy, làm việc, ăn uống, vận động, giải trí, ngủ nghỉ…). Mỗi buổi bình minh thức dậy, hãy nằm yên vài phút để thần trí chuyển từ trạng thái ngủ sang tỉnh thức để tránh hành động đột ngột gây tai biến. Sau đó thực hiện bài vận động với 18 động tác ngay tại giường để khởi động và bôi trơn các xương khớp rồi mới xuống giường đi nhẹ nhàng trong phòng, uống một cốc nước nóng (nếu pha thêm 1 thìa mật ong thì càng tốt) rồi mới tập nặng hơn (như Đạt Ma dịch cân kinh, thái cực dưỡng sinh, yoga, Thiền…)... Trước khi làm việc, nên nạp đủ năng lượng (ăn sáng theo định lượng dinh dưỡng tùy theo từng thể trạng.

Muốn làm việc dẻo dai thì cần phải biết nghỉ giải lao đúng lúc, (nghỉ trước khi cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, đừng để kiệt sức mới nghỉ thì sự phục hồi sức khỏe rất lâu). Mỗi lần nghỉ giải lao chỉ 15 - 20 phút, nếu nghỉ kéo dài thì những giờ làm việc tiếp theo sẽ kém hiệu quả.

Trong cuộc sống có nhiều stress, ông làm thế nào để sống vui, sống khỏe được?

Tôi cố gắng thực hành 3 điều nên quên. Trước hết là sống vị tha và quên hận thù. Nếu không có lòng vị tha thì ta sẽ thấy nhiều người chung quanh ta thường ích kỷ, vụ lợi, tham lam, tráo trở vô ơn bạc nghĩa, điều đó sẽ gây cho ta sự bực mình và tiêu cực. Ta hãy coi cái thói xấu ấy là “lẽ thường tình” của thế gian. Đã là “lễ thường tình” thì có gì phải bận lòng. Ta hãy vì chính ta mà quên đi hận thù. Trong y học, đã chỉ ra rằng thất tình lục dục là nguyên nhân của nhiều loại tật bệnh: “sợ quá hại thận, giận quá hại gan, vui buồn quá hại tim, lo âu quá hại tỳ vị…”. Quên hận thù là đã cắt đứt chu trình oan oan tương báo,  điều đó làm cho ta sống ung dung tự tại, bình an trong từng nhịp sống.

Đặc biệt là cần quên bệnh tật và tuổi tác. Quên bệnh tật không có nghĩa là mình coi thường tật bệnh và không hề biết rằng mình đang bị bệnh tật, mà là không quá lo lắng sợ sệt, không quan trọng hóa nếu mình bị bệnh... Người bị bệnh mất ngủ chưa chắc đã chết, nhưng lại chết vì quá lo lắng cho bệnh mất ngủ.

Ở tuổi xưa nay hiếm TS Vũ Thế Khanh vẫn làm việc 12h/ngày.

Ở tuổi xưa nay hiếm TS Vũ Thế Khanh vẫn làm việc 12h/ngày.

Quên bệnh tật, tức là những bệnh tật vào diện “bất khả kháng” không thể tránh được, thì hãy coi đó là quy luật tất yếu của cuộc sống để bình tĩnh, dũng cảm chấp nhận, hãy quên sự đe dọa của nó đi, 

Thức ăn hữu hình và siêu hình

Tôi nghe nói bao năm nay ông ăn ít, ngủ ít, liệu đây có phải là bí quyết để khỏe? 

Nói rằng “ăn ít” tức là nói trên phương diện sự tướng (tức là thức ăn bằng thực thể hữu hình). Vấn đề không phải nằm ở  “đầu vào” ăn nhiều hay ít, mà quan trong nhất là hiệu suất hấp thụ thức ăn. Ăn đủ chất chứ không cần ăn no.

Còn thức ăn siêu hình là ăn bằng “hỷ thực” và dưỡng khí. Hỷ thực là ăn bằng năng lượng tâm thức, năng lượng từ bi tâm linh. Nhiều khi đang đói mà  nhận được tin vui (hỷ thực) thì tự nhiên cũng quên cả đói. Nếu khi ăn mà tâm sân hận, hoặc buồn tủi, không vui thì là đang uống thuốc độc.

Nhiều người chỉ chú ý đến thức ăn hữu hình mà lại quên khai thác một nguồn nguyên liệu siêu hình vô cùng quý giá, lại chẳng tốn tiền, đó là “hơi thở”. Người ta nói “Cuộc đời dài bằng hơi thở”. Người cao tuổi thường quên luyện tập cách thở, nên phổi bị xẹp, dung tích chứa dưỡng khí bị thu hẹp, lượng dưỡng khí cung cấp vào máu bị thiếu, dẫn đến phải thở gấp, thở nhanh (gọi là đói thở) sinh ra mệt mỏi và hay mắc bệnh tim mạch. Hãy luyện tập thở sâu, thở bụng, thở 2 thì, thở 3 thì...

Ngủ không đúng cách thì càng ngủ nhiều càng mệt, bởi khi ngủ thì gân cơ chưa được thả lỏng, tư thế nằm không hợp sinh lý hoặc tư thế co quắp, trước khi ngủ mà phiền não chưa được buông bỏ khiến cho khi ngủ gặp ác mộng, thần kinh hoảng loạn, thì ngủ nhiều càng khổ nhiều. Nếu trước khi ngủ, thực hành thư giãn toàn thân, đồng thời tâm thức buông bỏ mọi phiền não thì chẳng cần ngủ nhiều mà sức khỏe vẫn được phục hồi, thậm chí không cần ngủ mà nằm bất động, giữ tâm không thì không ngủ cũng có hiệu ứng như đang ngủ. Những người luyện tập pháp môn “trở về Tâm Không” thì mỗi ngày chỉ cần ngủ một vài tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy mệt.

Luyện trí nhớ để luôn nói không cần văn bản.

Luyện trí nhớ để luôn nói không cần văn bản.

Ai đã từng nói chuyện, tiếp xúc với ông đều rất ngạc nhiên về trí nhớ siêu việt của ông. Ông có thể nói chuyện với nhiều người  với nhiều chủ đề khác nhau mà không bị nhầm lẫn, giảng bài cả ngày, ông không cần sử dụng giáo án viết sẵn... Năng lực này luyện bằng cách nào mà có?

Dung lượng bộ nhớ của mỗi người cũng không hơn kém nhau là mấy, (trừ những người thiểu năng trí tuệ), chỉ có điều khác nhau ở cách sắp xếp các tệp dữ liệu và ưu tiên cần chứa cái gì trong cái nhà kho của mình. 

Muốn lưu giữ được nhiều thông tin thì phải dùng quy tắc “Thấy rừng trước rồi mới thấy cây”. Ví như ta muốn xem một cuốn sách, nếu vội đọc nghiến ngấu thì khi gấp sách lại chẳng nhớ được gì, mà hãy xem phần mục lục trước, thấy mục nào trọng tâm, thông tin mới lạ, khác thường thì cần nghiên cứu trước (thậm chí ghi chép và lưu vào tệp chuyên đề), phần nào mình đã biết, hoặc những phần nội dung rác rưởi, nhảm nhí, vô bổ, thì không cần đưa vào “bộ nhớ” trong não bộ.

Trước đây, tôi rất ham đọc và cố luyện để nhớ cho thật nhiều, nhưng càng cố nhớ lại càng mau quên vì dung lượng của não bộ bị nhồi nhét quá tải, năng lượng bị hao mòn, nạp vào mảng  này nó lại xóa đi mảng khác.

Sau tôi nhận ra, trí nhớ giỏi không phải là cố nhớ cho thật nhiều, vì nhớ nhiều thứ không cần thiết sẽ loạn thần kinh. Nhớ giỏi là nhớ theo quy luật, nhớ theo chủ đề, đồng thời có những lúc cũng phải biết “đóng cửa bảo tàng” để bảo dưỡng, tức là tìm cách QUÊN ĐI HẾT THẢY để bộ não được nghỉ ngơi thoải mái, tái tạo năng lượng và tự sắp xếp lại “kho dữ liệu”. Khi muốn sử dụng kho dữ liệu, chỉ cần gọi ra những “mật mã thuật ngữ điển hình” là các thông tin cứ tự hiện ra.

Tuổi càng cao thì “kho dữ liệu” càng bị hao tổn, nên hàng ngày phải tập luyện để khôi phục trí nhớ. Một buổi sáng ta nên tập đi giật lùi, nhắm mắt và đứng 1 chân và đếm ngược để bảo dưỡng bộ nhớ.

 Có người bảo ông chuyên giao lưu, luận giải  về  tâm linh nên được thế giới tâm linh ủng hộ hay do ông  tu luyện đạt đến “đẳng cấp” này?

Bất kỳ ai có tâm nguyện tu hành chánh đạo thì cũng được thế giới tâm linh ủng hộ, và đều có thể đạt tới đẳng cấp thượng thừa. Các bậc chân tu đều có khả năng lý giải rất minh triết về thế giới tâm linh.

Tôi có gần 30 năm liên tục khảo nghiệm về những hiện tượng và khả năng đặc biệt. Kinh nghiệm thực tế, chiêm nghiệm thực chứng và thực hành công phu Thiền định, cộng với việc nghiên cứu kinh điển của nhà Phật đã giúp tôi có thể nhận dạng khá chuẩn xác đâu là hiện tượng tâm linh và đâu là hành vi lừa đảo giả danh tâm linh. Tôi cũng có duyên may được diện kiến và thọ giáo một số bậc minh sư khiến cho quá trình lãnh hội kinh điển của nhà Phật cũng được mau mắn rất nhiều. Đương nhiên cũng không dám nghĩ rằng mình đã đạt được đẳng cấp nào đó, bởi “trí tuệ vô sư” không thể đong đếm và cũng không thể có thang bậc nào để so sánh cả.

Xin cám ơn ông đã chia sẻ!

Theo Đời sống
back to top