TS. Nguyễn Tùng Lâm: Giữa thầy và trò chỉ có ân hận hay tự hào

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đã cảm hóa hàng ngàn học sinh với những câu chuyện xúc động.

Ngôi trường không chọn lọc đầu vào

Ý tưởng thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng xuất phát từ một buổi tổng kết năm học của ngành giáo dục Hà Nội - năm 1989. Tại buổi tổng kết này, bà Trần Thị Tâm Đan, Phó chủ tịch UBND thành phố khi đó bày tỏ lo lắng trước việc một bộ phận học sinh có biểu hiện sa vào chơi bời.

TS. Nguyen Tung Lam: Giua thay va tro chi co an han hay tu hao
 TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống. Ảnh: Mai Loan.

Khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã đề xuất mở trường nhận những học sinh bị đuổi về dạy. Và hơn 2 tháng sau, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có quyết định thành lập.

Với mô hình giáo dục đảm bảo công bằng trong giáo dục cho những học sinh gặp khó khăn, không bỏ rơi một học sinh nào, Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường không chọn lọc đầu vào.

Tất cả các học sinh vướng tệ nạn xã hội, cá tính khác biệt, có học lực, hạnh kiểm yếu kém... bị từ chối từ các trường đều được trường Đinh Tiên Hoàng tiếp nhận.

Đã có vô vàn những khó khăn trải qua. Nhiều giáo viên áp lực, không chịu nổi học trò ngỗ ngược đã xin nghỉ việc. Có những lúc trường phải mời cảnh sát cơ động tới túc trực, ngăn chặn học sinh đánh nhau.

Thế nhưng, vượt qua tất cả, Trường đã gặt những trái ngọt. Hơn 30 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã cảm hóa được hàng ngàn học sinh, để các em trở thành người có ích trong xã hội.

Trong suốt quá trình học tại trường, các em luôn được tôn trọng, tin tưởng học sinh và tạo động lực để rèn luyện phấn đấu, hoàn thiện nhân cách. Các giáo viên đã kiên trì chấp nhận những mặt yếu kém của học sinh để các em tiến bộ.

Đặc biệt, tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn có Văn phòng Tư vấn Học đường. Đây là mô hình giáo dục đặc sắc, học tập theo kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến. Văn phòng hoạt động hiệu quả, trợ giúp các em học sinh có khó khăn về tâm lý học đường, đồng thời giúp đỡ cha mẹ học sinh trong quá trình “Dạy con nên người”.

Với đầu vào hơn 60% học sinh yếu kém về văn hóa, cho đến nay, đã có hơn 10.000 HS đã tốt nghiệp THPT, trong đó rất nhiều HS thi đỗ vào đại học, trường cao đẳng nghề.

Những trang viết, chia sẻ của học sinh khi ra trường gửi về cho các thầy cô với nhiều câu chuyện xúc động, tri ân chính là món quà vô giá, cho thấy sự thành công của một ngôi trường đặc biệt.

Giữa thầy và trò không có thắng thua

Có được tất cả những điều đó, là ở sự nỗ lực không mệt mỏi của tất cả tập thể giáo viên của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Và đặc biệt là người đứng đầu – TS. Nguyễn Tùng Lâm với những quan điểm, triết lý giáo dục nhân văn.

TS. Nguyen Tung Lam: Giua thay va tro chi co an han hay tu hao-Hinh-2
 Các thế hệ học sinh, thầy cô giáo đã về dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, nếu nhà trường chỉ chạy theo thành tích, thi cử, mà quên mất “dạy người”, thì đó là mô hình giáo dục chúng ta không mong muốn. Nhưng thả nổi học sinh, để các em “tự bơi”, học được chữ nào hay chữ đó theo kiểu “Makeno” (mặc kệ nó) là vô trách nhiệm.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, không có học sinh hư, mà chỉ có học sinh chưa được giáo dục đúng phương pháp.

Ông Lâm đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò, sứ mệnh của người thầy, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Theo ông Lâm, trong đổi mới giáo dục hiện nay phải làm sao rõ được sứ mệnh của người thầy, để người giáo viên nhận thức được sứ mệnh của mình. Vì không có được người thầy tốt, thực hiện được sứ mệnh của mình thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn được.

Sứ mệnh của người thầy chính là phải thực sự hiểu học trò, khích lệ, động viên để mỗi học trò trong những điều kiện, hoàn cảnh của mình được đều phát triển được, chứ không phải sự áp đặt, buộc học trò phải tuân theo.

TS. Nguyễn Tùng Lâm kể câu chuyện, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đã tìm ra được thủ phạm đốt pháo trong nhà trường. Sau đó, học sinh này bị đuổi học.

Nhưng sau 5 năm thì cô mới nhận ra được rằng, trong số những học sinh bị đuổi học có em tiếp tục học bổ túc, có em làm nghề nhưng có em bị kẻ xấu lôi kéo.

Và cô ấy đã rút ra được rằng, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.

Ân hận là vì những phương pháp giáo dục của mình chưa phù hợp với học trò, chưa đúng với nguyên tắc giáo dục cụ thể, không giúp học sinh vượt ra chính mình để tồn tại và phát triển trong cuộc sống.

Còn tự hào là ngược lại, khi có cách giáo dục phù hợp giúp học trò phát triển vượt qua được chính mình. Nên trong giáo dục hiện đại hiện nay thầy cô giáo cần được trang bị những kiến thức về tâm lý giáo dục để chủ động tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi học sinh chứ không phải dùng uy lực của thầy cô áp đặt lên học trò thì không thành công.

Đặc biệt, trong giáo dục hiện nay, giáo viên thường không chấp nhận những cá tính, yếu kém của học sinh (theo quan niệm một chiều của giáo viên). Chỉ những học sinh “chăm ngoan” mới được giáo dục. Điều này không đúng. Các thầy cô cần phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

“Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, giáo viên thực hiện theo đúng bốn bước, trước hết phải giúp học sinh thấy thích học, thứ hai là biết cách học, thứ ba là có thói quen học và thứ tư là học có kết quả.

Chứ không phải các thầy cô giáo cứ “đổ” kiến thức ra không biết các em có nắm được hay không. Thầy cô không giúp các em vận dụng kiến thức vào cuộc sống, để tự tin, làm những bài tập vừa sức của mình. Vẫn chạy theo thành tích và áp lực thi cử”, ông Lâm nói.

Liên quan đến những câu chuyện bạo lực học đường nhức nhối, theo ông Lâm, có một nguyên nhân quan trọng đó là các thầy cô giáo không quan tâm, thương yêu học trò. Nhưng cái chính là các thầy  cô không biết sứ mệnh của mình để giúp đỡ học trò.

Điều này cũng xuất phát từ các trường đào tạo giáo viên, chúng ta cũng bị chạy theo kiến thức khoa học mà không dạy cho người giáo viên thấy được sứ mệnh của mình.

TS. Nguyễn Tùng Lâm sinh ngày 15/2/1943. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Thường vụ Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Thường vụ Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.

Với những đóng góp to lớn cho giáo dục và cho hoạt động của Liên hiệp Hội, TS. Nguyễn Tùng Lâm đã là một trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022.

* Bài viết nằm trong tuyến bài tuyên truyền về Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 (diễn ra ngày 21/05/2022) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo Đời sống
back to top