TS Nguyễn Ngọc Huy: Biến đổi khí hậu đến nhanh hơn, thiên tai bất ngờ và cực đoan

(khoahocdoisong.vn) - Nắng nóng, mưa bão, khan hiếm nguồn nước... Thế giới sẽ phải đối diện với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu một cách đột ngột, không theo quy luật và gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo, phòng, chống. TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã chia sẻ với độc giả KH&ĐS về những hiện tượng thời tiết bất thường này.
TS Nguyễn Ngọc Huy: Biến đổi khí hậu đến nhanh hơn, thiên tai bất ngờ và cực đoan ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.

Thời tiết cực đoan nằm ngoài dự báo

Chúng ta vừa trải qua những ngày nắng nóng kinh hoàng cực đoan khắp cả nước. Có ngoài dự báo của ông không thưa Tiến sĩ?

Đợt nắng nóng này nằm ngoài dự báo của tôi trước đây. Vào khoảng tháng 4 năm nay tôi dự báo rằng mùa hè năm nay cũng sẽ nắng nóng theo xu hướng tăng nhiệt hàng năm nhưng không đến nỗi nóng quá mức. Vào thời điểm đó, La-Nina vẫn đang còn hoạt động và có xu hướng chuyển dịch dần sang thời đoạn trung tính (ENSO). Theo quy luật tự nhiên, các giai đoạn trung tính thường có mưa thuận gió hòa. Tuy nhiên, năm nay ngay cả trong giai đoạn trung tính thì miền Trung và miền Bắc của Việt Nam vẫn đón nhận những đợt nắng nóng khốc liệt. Đây là hiện tượng cực đoan nằm ngoài dự báo dài ngày trước đó của tôi cũng như theo các mô hình dự báo khí tượng khác. Trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên quốc gia về Biến đổi khí hậu (IPCC) cũng cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải đối diện với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu một cách đột ngột, không theo quy luật và sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo và phòng, chống trong tương lai.

Có nhiều người đã cảm ơn Covid gây nên cuộc đại khủng hoảng để hạn chế các hoạt động của con người, đòi lại sự cân bằng môi sinh cho Trái Đất. Ông có ý kiến gì về điều này?

Nỗ lực ngăn chặn sự lây truyền của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc giảm nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu về lượng phát thải chất ô nhiễm không khí. Các nhà khoa học Nhật Bản đã có công bố trên Tạp chí Science Advances vào tháng 6/2021 cho thấy, lượng phát thải NOx do con người gây ra đã giảm ít nhất 15% trên toàn cầu và 18 - 25% theo khu vực. Sự giảm phát thải này chủ yếu do sự đình trệ sản xuất từ các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia và giảm các hoạt động đi lại. Đây là một minh chứng rất rõ về việc “đóng góp khí thải’ của con người, đặc biệt là nhóm người giàu vào bầu khí quyển. Số liệu này cũng là minh chứng thuyết phục cho một báo cáo của Oxfam được công bố năm 2019 - 2020 về “Bất bình đẳng carbon”. Theo đó, lượng phát thải chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu do các nước giàu và do người giàu tạo nên trong khi người chịu ảnh hưởng lại là đại đa số những người có thu nhập thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tiện ích.

Ông lý giải thế nào về hiện tượng thời tiết lại nắng nóng cực đoan hơn ngay cả khí chúng ta đã cố gắng giảm phát thải CO2?

Mặc dù lượng phát thải CO2 trong năm qua có giảm nhưng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn còn rất cao và vì vậy hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn duy trì theo xu hướng tịnh tiến và gây ra các hình thái thời tiết cực đoan không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Chính vì vậy, về dài hạn, Việt Nam, bao gồm cả Chính phủ và người dân cần chung tay với cộng đồng Quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính bằng các thực hành như: bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, trồng thêm rừng, bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo.

Nắng lắm ắt có mưa nhiều nhưng mưa sẽ phân bố không đều, mưa cực đoan. Theo Tiến sĩ, người dân cần phải chuẩn bị tinh thần cho một mùa mưa lũ sớm năm nay như thế nào?

Như đã trao đổi ở trên, bất ngờ và cực đoan là hình thái thiên tai mà chúng ta sẽ gặp thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Sẽ có những thiên tai khó dự báo chính xác được tính cực đoan của nó và vì vậy việc không chủ quan là sự chuẩn bị quan trọng nhất. Về dài hạn, người dân cần tự xây dựng năng lực ứng phó thiên tai bằng việc gia cố nhà cửa, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết và có sẵn các phương án ứng phó với các kịch bản nắng hạn, bão và lụt có thể xảy ra ở khu vực mình sinh sống.

Người dân cần cập nhật thông tin nhanh hơn

Mặc dù đã dự báo được mức độ của bão lũ miền Trung năm 2020 từ trước nhưng chúng ta vẫn không kịp trở tay. Phải chăng từ cảnh báo đến việc phòng tránh ở địa phương cũng như người dân còn một khoảng trống lớn?

Những hình thái thiên tai diễn ra ở mức cực đoan hơn và cấp tập hơn trong những năm gần đây cho thấy cần thay đổi cách đưa tin dự báo và cảnh báo thiên tai. Chẳng hạn thay vì đưa tin cảnh báo thiên tai chỉ dựa vào các kênh truyền thông truyền thống như tivi và radio thì cần phát huy các nền tảng truyền thông xã hội như facebook và Zalo, nơi người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh hơn và dễ dàng chia sẻ thông tin hơn. Ngoài ra, việc đưa tin cảnh báo thiên tai cũng nên được phát triển dưới dạng các ứng dụng trên điện thoại di động để người dân chủ động tiếp cận với các bản tin dự báo và có các cơ chế phản hồi đối với các cơ quan chức năng.

Năm vừa qua, tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật để Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa các chức năng cảnh báo thiên tai và phản hồi vào ứng dụng Phòng chống thiên tai (app PCTT) và đã được đưa vào sử dụng nhằm phát huy tốt nhất công tác đưa tin cảnh báo thiên tai. Tôi cũng ghi nhận có sự thay đổi cách tiếp cận từ các cơ quan dự báo và cơ quan quản lý nhà nước trong cảnh báo và phòng chống thiên tai trong năm vừa qua theo hướng tích cực hơn.

Theo Tiến sĩ, chúng ta sẽ đối mặt với việc thiếu nước sạch nghiêm trọng như thế nào trong thời gian tới?

Biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan làm cho chu trình của nước trong sinh quyển thay đổi rất nhiều so với trước đây. Sẽ rất hiếm các năm mưa thuận gió hòa, thay vào đó là mưa cực đoan và nắng hạn kéo dài. Chẳng hạn, thống kê lượng mưa chỉ trong tháng 10/2020 từ Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh cho thấy lượng mưa trong một đợt mưa đã nhiều hơn lượng mưa trung bình của nhiều năm. Tuy nhiên, ngay sau mưa lụt thì xảy ra việc thiếu nước sạch do nước không được giữ lại ở các mạch nước ngầm. Việc mất rừng nguyên sinh, thay đổi dòng chảy của các dòng sông, dòng suối và quá trình đô thị hóa đã làm nguồn nước ngầm bị cạn kiệt.

Bên cạnh đó, nhu cầu về nước tăng cao cho các hoạt động phát triển kinh tế sẽ khiến nguồn nước sạch bị thiếu hụt trong tương lai rất gần. Việc thiếu hụt nguồn nước sạch cũng sẽ dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng về quyền được tiếp cận với nguồn nước trong đó phụ nữ các dân tộc thiểu số, phụ nữ là lao động nhập cư sẽ có thể bị đối diện với tình trạng thiếu nước sạch cho sinh hoạt, gia tăng các áp lực khác trong cuộc sống. Để bảo vệ nguồn nước, chúng ta cần phải thực hiện song hành: bảo vệ rừng nguyên sinh còn lại và trồng mới rừng càng nhiều càng tốt.

Dường như chúng ta không có mấy tin tốt về thời tiết. Ông có dự đoán gì về một cuộc khủng hoảng khí hậu trong tương lai và tác động của nó đối với người nghèo?

Các nhà khoa học của IPCC cảnh báo, tác động của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn so với các kịch bản từng được công bố. Chúng ta sẽ phải sống với nền nhiệt tăng sốc kèm theo các thiên tai cực đoan khác trong vòng 30 năm tới đây. Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong đó có sự suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu và đặc biệt sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở các quốc gia.

Để hạn chế sự gia tăng bất bình đẳng đa chiều, Chính phủ và các cơ quan liên quan trong cảnh báo và ứng phó thiên tai cần tạo ra các chương trình hỗ trợ sinh kế và xây dựng năng lực ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhóm người nghèo và người dễ bị tổn thương. Trong thiên tai và sau thiên tai xảy ra, Chính Phủ cần có các chính sách và hoạt động tái thiết và phục hồi ưu tiên đối với người nghèo và các nhóm yếu thế để đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Oxfam và TS Nguyễn Ngọc Huy!

Theo Đời sống
back to top