TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Bảo vệ bác sĩ là bảo vệ người bệnh

Các vụ bôi nhọ, tố cáo sai, hành hung nhân viên y tế gần đây liên tục diễn ra khiến những người thầy thuốc phải làm việc trong sự bất an. Ngay trong lúc làm nhiệm vụ cứu người, các y bác sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, phàn nàn và bôi xấu trên mạng. Họ rất cần được bảo vệ, cần môi trường làm việc an toàn.
bác sĩ

TS Nguyễn Huy Quang đang nói về việc cần chống bạo hành trong y tế

Mới đây, ở TP.HCM có bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Mộng Châu sau điều trị xuất viện yêu cầu xóa bỏ thông tin mà chính cô đã khai trong bệnh án nhưng BS điều trị và bệnh viện (BV) từ chối thay đổi tiểu sử bệnh án. Từ căng thẳng này, BN này đã lên facebook cá nhân, tố BS chẩn đoán sai, cho uống thuốc làm cô hư thai với những thông tin cường điệu, bóp méo sự thật về BS điều trị và câu chuyện này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Được quyền công khai nhưng sai là vi phạm

Ông nói sao về việc BN lên facebook cá nhân, dùng mạng xã hội công khai “tố” bác sĩ cho uống thuốc làm cô hư thai công khai tên bệnh viện, tên bác sĩ, toa thuốc và hình ảnh của bệnh viện. Bệnh viện sau đó phải công khai tên BN và một số tình tiết tiền sử bệnh án nhằm chứng minh họ bị oan sai, bảo vệ uy tín của bác sĩ và bệnh viện. Việc này có được xem là vi phạm luật bảo mật thông tin BN không?

Những sự việc như vậy đòi hỏi phải có thông tin đầy đủ, cụ thể thì mới có câu trả lời chính xác. Trong Luật khám bệnh, chữa bệnh có quy định người bệnh, thân nhân người bệnh phải tôn trọng các hoạt động nghề nghiệp của người BS cũng như tôn trọng danh dự nhân phẩm của BS không được làm những việc gây ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của BS. Việc người bệnh đưa thông tin không chính thống lên mạng gây ảnh hưởng tới BS và BV thì BS và BV có quyền đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết ở các mức độ khác nhau theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp BN không đồng ý với hồ sơ bệnh án đó thì người bệnh phải trực tiếp gửi lên cho lãnh đạo BV hoặc các cấp quản lý để xem xét giải quyết và chỉ có các hội đồng chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc BV thành lập theo thẩm quyền luật định thì mới có giá trị kết luận về mặt chuyên môn còn các ý kiến bên ngoài đều không phải là các ý kiến chính thức liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

Vì lý do tế nhị, BN có quyền từ chối điền các thông tin hoặc không thực hiện các cam kết trước và sau điều trị tại BV không? Điều này có lợi và hại gì?

Cung cấp thông tin là trách nhiệm của BN khi đến điều trị để đưa vào hồ sơ bệnh án. Nếu BN không cung cấp thông tin đầy đủ thì BS sẽ không biết cụ thể về bệnh sử, nên biến thể trạng, hành vi…. và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, việc từ chối cung cấp thông tin cho bác sĩ là chưa đúng với các quy định của pháp luật và ảnh hưởng ngay tới sức khỏe, tính mạng của BN. Tuy nhiên, bác sĩ là người phải đảm bảo giữ bí mật thông tin đó, nếu làm lộ, BS lại là người vi phạm.

Bảo vệ bác sĩ chính là bảo vệ người bệnh

Có một câu hỏi nhức nhối đã được nên lên trong một bản tin phát sóng được lan tỏa gần đây: “Bác sĩ cứu người, nhưng ai cứu bác sĩ khi họ bị oan sai?”, ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?

Trong Luật khám bệnh, chữa bệnh đã có quy định rõ ràng trách nhiệm của BN, thân nhân người bệnh phải tôn trọng BS trong quá trình hành nghề. Đối với luật xử lý hành chính, xử lý hình sự cũng đều có quy định: những người nào có hành vi xâm phạm tới BS đều bị xử lý về tội gây rối trật tự xã hội… Còn nếu đánh đập bác sĩ gây tổn thương tới thân thể > 11% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế đã có những trường hợp người nhà BN bị điều tra truy tố, xét xử khi có hành vi bạo hành BS.

Nhưng nếu người bệnh phát hiện thấy BS điều trị có những hành vi, phát ngôn, hoạt động chuyên môn chưa đúng thì sao? Người bệnh cần phải làm gì?

Muốn xem hành vi, phát ngôn hoặc hành động chuyên môn của bác sĩ đúng hay không đúng thì người bệnh cần có các chứng cứ cụ thể. Ví dụ như: băng ghi âm, hình ảnh của bác sĩ đó làm bằng chứng và ngược lại BS cũng phải có bằng chứng liên quan đến người bệnh hoặc thân nhân người bệnh để bảo vệ mình. Nếu có bằng chứng cụ thể phản ánh với cơ quan chức năng để xem xét xem BS đó vi phạm về chuyên môn hay y đức từ đó mới có hướng xử lý cụ thể.

Thông thường, khi gặp “rắc rối”phần lớn bệnh viện chọn cách thỏa hiệp, thậm chí sẵn sàng chi tiền để mua lấy sự im lặng thay vì chiến đấu bảo vệ đến cùng sự thật. Thực tế này có phải là do ngành y đang thiếu hành lang pháp lý bảo vệ BS?

Hành lang pháp lý có đầy đủ để bảo vệ BS và BV nhưng vấn đề thực thi như thế nào? Đáng lẽ khi chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, thái độ ứng xử của y BS cũng được chấn chỉnh, được nhân dân đánh giá cao thời gian qua thì những vụ việc xô xát với cán bộ y tế phải giảm đi; nhưng thực tế lại tăng một cách đáng báo động với tính chất, mức độ nguy hiểm hơn.

Và dù BV nào cũng có camera theo dõi, có bảo vệ, an ninh nhưng hiện tượng chửi bới, đánh đập bác sĩ và nhân viên y tế vẫn diễn ra đáng lo ngại. Có thể nói nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung. Sự băng hoại đạo đức đã đi vào môi trường trong sạch (trường học) và nhân đạo (y tế). Do đó, ở đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà cả xã hội.

Cũng phải thông cảm cho gia đình BN khi họ gặp phải “mất mát” quá lớn hoặc họ quá lo lắng?

Thực tế chẳng có một bác sĩ nào, cơ sở y tế nào là không có mong muốn cứu giúp người bệnh. Nhưng có những bệnh dù có cứu chữa rất nhiệt tình thì khả năng vẫn tử vong. Và điều đó làm sao có thể đổ lỗi cho bác sĩ? Các bác sĩ dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể tự tin đến vấn đề như vậy. Và khi BN tử vong hoặc khi có vấn đề gì đó không biết đúng sai thế nào đã tạo đám đông gây áp lực, dùng báo chí, thậm chí dùng cả dao kéo đe dọa BS.

Nếu tình hình cứ diễn biến xấu như vậy thì BS cũng không yên tâm để phục vụ người bệnh và họ sợ trách nhiệm. Chính việc sợ trách nhiệm đó BS sẽ không đưa ra các phương pháp cứu chữa đột phá mà chỉ thực hiện theo đúng phác đồ BN chết hay không chết bác sĩ sẽ không sao. Còn nếu đưa ra các biện pháp cứu chữa đôi khi 5 ăn, 5 thua. Nếu tốt thì không ai biết đến nhưng không may BN tử vong thì bác sĩ thành tội đồ. Ranh giới giữa anh hùng và tội đồ xảy ra trong tích tắc đã tạo ra sự không yên tâm cho BS hành nghề và như vậy thì thiệt hại đầu tiên chính lại là người bệnh.

Vậy để tránh bạo lực, ngành y tế và BN cần làm gì?

Bệnh viện, nhân viên y tế phải coi người bệnh là đối tượng để phục vụ nên cần năng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà với thái độ ứng xử mềm dẻo. BS dù mệt cũng phải cố gắng không được cáu gắt. Đấy là “tấm khiên” bảo vệ bác sĩ. Người bệnh, thân nhân người bệnh cần bình tĩnh, công tâm tin tưởng vào BS. Nếu bức xúc gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích, lăng mạ thì đều là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Điều đó không chỉ gây thiệt hại cho chính mình và người nhà mình mà cả những người bệnh khác nữa.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Nga (Thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top