TS Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta đã có một năm thắng lợi toàn diện

(khoahocdoisong.vn) - Trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2020 Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời vừa phòng chống dịch bảo vệ sức khoẻ người dân, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả cho thấy, chúng ta có một năm thắng lợi toàn diện, thể hiện sự cố gắng của cả Chính phủ và doanh nghiệp các thành phần kinh tế.

Đó là những chia sẻ của TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với KH&ĐS về tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2020.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ.

  • Thưa ông, kinh tế thế giới năm 2020 đã diễn biến thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19?
  • Trước hết chúng ta phải nói năm 2020 là một năm rất đặc biệt, không chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới cả chuỗi cung, cầu bị đứt gãy. Không phải đứt gãy do quá trình sản xuất hay quá trình phát triển, mà do từ một tác động của dịch bệnh, cụ thể là Covid-19.

    Đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới còn trầm trọng hơn đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 - 1933. Đến nay số người nhiễm bệnh là trên 75 triệu người, số người chết lên đến 1,7 triệu người và đang đe doạ toàn bộ nền kinh tế thế giới.

    Một nguy hiểm sau dịch bệnh này là tính toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới đã bị một cú sốc và đến bây giờ quyền lợi quốc gia cao hơn quyền lợi của khối. Tất cả các thoả thuận kinh tế đa phương trong năm 2020 đều bị dừng lại. Việc dừng lại đầu tiên thể hiện ở việc đóng cửa biên giới để đảm bảo quyền lợi quốc gia. Đó là chủ nghĩa dân tộc và lúc đó lập tức tác động đến phân phối trong chuỗi giá trị.

    Hy vọng với tốc độ tăng trưởng của những năm trước 2020 và với sự thống nhất của các nhà lãnh đạo thế giới sẽ khắc phục được cuộc khủng hoảng này. Ví dụ như thống nhất về vấn đề biến đổi khí hậu, giảm khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng và cơ cấu lại nền kinh tế thế giới.

    Còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

  • Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong năm 2020 thành công lớn nhất của chúng ta là xác định được vị thế. Chúng ta đã phát hiện ảnh hưởng của dịch bệnh rất nhanh, ngay từ cuối tháng 2/2020, chúng ta đã phát hiện được chuỗi sản xuất của thế giới bị đứt gãy. Lần này là gãy cả cung lẫn cầu, chứ không phải như năm 2008 là mất cầu.

    Ngay từ tháng 3/2020, chúng ta đã xác định rằng, năm nay chúng ta sẽ phải thực hiện mục tiêu kép. Một, là phòng chống dịch để bảo vệ sức khoẻ của người dân và hai là giữ ổn định kinh tế, giảm sự suy giảm của kinh tế.

    Đến nay là cuối năm, chúng ta có thể nói rất tự hào rằng đã hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra trong tình hình phức tạp của dịch bệnh tác động lớn đến nền kinh tế.

    Cụ thể, số lượng người bị nhiễm bệnh và người chết rất thấp, không để dịch trở thành một đại dịch không thể kiểm soát được trong cộng đồng. Chúng ta không bị rơi vào điểm nóng, khủng hoảng, không có biểu tình hay các cuộc phản đối về phong toả, cách ly...

    Mặt khác, chúng ta cũng có những động tác hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có những động tác chia sẽ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn. Nói là năm nay tăng trưởng dương dao động trong khoảng 2,5% thì đây cũng là minh chứng chúng ta đã chọn giải pháp đúng đắn.

    Năm 2020, mặc dù các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không như mong muốn nhưng với chúng ta là một năm thắng lợi toàn diện.

  • Xin ông cho biết những giải pháp Chính phủ đã đưa ra để mang lại kết quả trên?
  • Các giải pháp của Chính phủ đưa ra rất nhiều, nhưng những nét chính có thể nói là với phương châm đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho người dân, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô thì chúng ta đã từng bước thực hiện kịp thời và hoàn thành tốt.

    Đối với sức khoẻ của người dân, đầu tiên là cách ly cả nước nhưng sau đó chúng ta đã rút ra được kinh nghiệm cách ly từng phường, rồi cách ly ở phạm vi nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

    Về kinh tế, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rất kịp thời, kiên quyết. Ngay từ hôm 28 Tết Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã ngồi nghe báo cáo nhanh và chiều 2 Tết Thường trực Chính phủ đã họp và lập tức có Công điện xử lý ngay. Như vậy, bộ máy của Chính phủ trong đợt dịch này là phải vận hành “không Tết”. Chúng ta đã có những giải pháp rất sớm ban hành ngay nghị quyết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý những vấn đề khó khăn do dịch bệnh Covid đem lại. Và đã có những động tác rất mạnh về giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và phí cho doanh nghiệp. Điều này đã đặt gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia nhưng chúng ta vẫn chấp nhận và làm.

    Đây chính là việc thể hiện Chính phủ đã chia sẻ với doanh nghiệp nhưng cũng có những điểm dừng trong chính sách hỗ trợ chứ không phải là hỗ trợ tràn lan, hỗ trợ để mà sau đó có thể gây hậu quả ngược.

    Tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Tổ tư vấn tư vấn cho Thủ tướng là phải phát huy tối đa năng lực của bản thân doanh nghiệp, còn phần nào cần phải “vượt khó”, cần có cú hích lúc đó Chính phủ sẽ kê vai vào sẵn sàng gánh vác với doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng trong điều hành dịch này đã cân nhắc rất kỹ từng quyết định một.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.

  •  
  • Về trường hợp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines được báo chí nêu nhiều thời gian qua thì sao, thưa ông?
  • Đây là trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà mình có vốn. Vietnam Airlines là doanh nghiệp mà 86,3% vốn nhà nước ở trong đó. Nếu để phá sản, mất tài sản nhà nước, mất tài sản nhân dân thì ai chịu trách nhiệm?

    Chúng ta nhìn sang thế giới xem tất cả các nước hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không như thế nào? Còn Chính phủ Việt Nam với tư cách là người quản lý nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành hàng không Việt Nam, từ miễn, giảm thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế môi trường trên xăng dầu, giảm phí, lệ phí cất cánh hạ cảnh; giảm phí bãi đỗ; phí hạ, cất cảnh;… Đó là những khoản hỗ trợ rất lớn hàng nghìn tỷ đồng.

    Cho nên ở đây phải tách ra 02 vai trò của Chính phủ. Vai trò quản lý nhà nước và vai trò là chủ sở hữu.

  • Ngoài hàng không thì những ngành khác có rơi vào tình trạng tương tự không, thưa ông?
  • Rất nhiều ngành, lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid lần này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác họ vẫn đủ sức để vượt qua được.

    Tôi lấy ví dụ như dệt may năm nay rất căng thẳng, vào tháng 5/2020 chúng ta dự báo rằng sẽ khoảng 40% lao động trong lĩnh vực dệt may không có việc làm. Nhưng chúng ta thấy rồi, các doanh nghiệp dệt may trên các thành phần kinh tế đều đã chuyển rất nhanh thông qua việc may khẩu trang, may đồ bảo hộ... Việc này không đẩy người lao động ra khỏi nhà máy, và chúng ta không phải dùng khoản hỗ trợ thất nghiệp. Đó là một sự năng động của các doanh nghiệp dệt may.

    Hoặc là trong bối cảnh vậy nhưng khối công nghiệp sản xuất năng lượng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy dịch nhưng xăng, dầu, điện… vẫn cung cấp đầy đủ để phục vụ sinh hoạt.

    Đó là những vấn đề có thể tựu chung rằng, trong năm 2020, Chính phủ ngoài việc xử lý đột xuất vấn đề Covid-19 thì những bất cập của nền kinh tế cũng buộc Chính phủ phải xử lý. Đây là áp lực đặt lên vấn đề tài khoá trong năm 2020 cho Chính phủ. Tuy nhiên kết quả đã thể hiện sự cố gắng của cả Chính phủ và doanh nghiệp các thành phần kinh tế.

  • Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đời sống
back to top