Truyền máu hoàn hồi bằng máy Cell Saver giúp tiết kiệm máu

(khoahocdoisong.vn) - Trong một ca mổ dù lớn hay nhỏ đều mất một lượng máu nhất định. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng trong y học, nhiều loại dao mổ và phương pháp cầm máu hiện đại được áp dụng đã hạn chế rất nhiều nguy cơ mất máu trong mổ.

Nhiều ca mất máu lớn được cứu sống bằng chính máu của mình

Với các ca mổ lớn, phức tạp, mất máu vẫn là nguy cơ đầu tiên đe dọa tính mạng người bệnh ngay trên bàn mổ.Vừa qua, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, các bác sĩ đã đưa ra phương pháp tiết kiệm máu hiệu quả, giảm tình trạng mất máu cho bệnh nhân trong khi phẫu thuật, thời gian hồi phục bệnh mau.

PGS.TS Nguyễn Minh Lý, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, trong quá trình phẫu thuật người ta phân ra mấy dạng mất máu như: Mất máu ở mức độ vừa (khi mất thể tích máu toàn thể dưới 15%); Mất máu ở mức độ nặng (khi mất thể tích máu toàn thể từ 15 - 30%); Mất máu ở mức độ quá cấp tính và trầm trọng (khi mất thể tích máu toàn thể trên 30%), tương ứng với tình trạng mất trên 1.000ml máu ở người có trọng lượng khoảng 50kg và có thể đe dọa đến tính mạng. 

Nếu bị mất máu ở mức độ nặng, mất máu cấp tính và trầm trọng đe dọa đến tính mạng, cần truyền cấp cứu máu đồng nhóm kết hợp với các dung dịch có trọng lượng phân tử cao để duy trì khối lượng tuần hoàn.

Hiện nay, do tình trạng khan hiếm máu, cầu lớn hơn cung luôn tạo áp lực cho ngành y tế do nhu cầu máu điều trị vẫn cấp thiết từng ngày, máu là loại chế phẩm đặc biệt và truyền máu đồng loại thường có thể gặp nhiều nguy cơ như sốc phản vệ, lây nhiễm virus viêm gan, ký sinh trùng, sốt rét, giang mai, HIV… do đó, xu hướng hiện nay là hạn chế truyền máu và các sản phẩm máu, chỉ truyền máu khi thật cần thiết, tăng cường truyền máu tự thân, truyền máu hoàn hồi, pha loãng đẳng thể tích để tiết kiệm máu và tránh được các biến chứng, đồng thời rút ngắn thời gian bù lượng máu mất, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp.

Trong  những năm gần đây, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã áp dụng thường quy phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng máy Cell Saver. Hầu hết lượng máu mất trong mổ đều được máy hút thu gom, xử lý và truyền ngay trở lại cho người bệnh trong mổ, tránh được các tai biến khi truyền máu đồng loại, an toàn, tiết kiệm, tạo nguồn cung cấp máu tự thân hiệu quả trong các ca mổ lớn. Nhờ áp dụng phương pháp này, nhiều ca mất máu lớn trong mổ đã được cứu sống bằng chính máu của mình.

Cứu bệnh nhân mất lượng máu lớn trong mổ

ThS Ngô Văn Định, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, kỹ thuật này giúp máu chảy ra trong mổ sẽ được hút đưa vào một bình chứa, chuyển qua thiết bị quay ly tâm để tách riêng hồng cầu, loại bỏ các hồng cầu vỡ, Hb tự do... lọc rửa tạo ra sản phẩm hồng cầu sạch và truyền lại cho người bệnh. Hồng cầu sạch này chứa rất ít các yếu tố đông máu đã hoạt hóa với các ưu điểm: Loại trừ tạp chất, hạt mỡ, loại trừ phần lớn hemoglohin tự do, chất chống đông, kali ngoại bào, các chất đệm hồng cầu... Phương pháp này giúp bệnh nhân sớm hồi phục sau mổ, hiệu quả kinh tế cao do giảm các chi phí sàng lọc phục vụ cho việc truyền máu thông thường.

Rất nhiều ca mổ mất máu lớn đã được truyền máu hoàn hồi an toàn. Trong quá trình điều trị các bác sĩ đã gặp trường hợp bệnh nhân nữ 17 tuổi mổ lấy thân đốt cột sống do bệnh lý. Trong mổ, bệnh nhân mất một lượng máu rất lớn, diễn biến nhanh, trụy tim mạch. Nhờ có máy Cell Saver nên lượng máu mất đã được truyền hoàn hồi trở lại cho bệnh nhân lên đến 6.000ml, do đó lượng máu đồng loại cần bù thêm cho bệnh nhân không nhiều. Sau mổ 24 giờ bệnh nhân đã tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn và ra viện khỏe mạnh sau 10 ngày.

 Truyền máu hoàn hồi được chỉ định trong phẫu thuật cấp cứu như chấn thương vỡ tạng đặc như vỡ lách, vỡ gan, chửa ngoài tử cung vỡ, vỡ phình động mạch lớn như động mạch chủ bụng, động mạch chủ ngực, động mạch đùi... vết thương bụng, ngực, tràn máu màng phổi, máu dẫn lưu thông màng phổi, vết thương tim… Phẫu thuật có chuẩn bị các loại phẫu thuật có nguy cơ chảy máu cao như thay quai động mạch, phình động mạch chủ bụng, chủ ngực, phẫu thuật tim, phẫu thuật ghép gan, phẫu thuật chỉnh hình cột sống và chống chỉ định với trường hợp chảy máu trong kèm với các nguy cơ như nhiễm trùng nước ối, nước tiểu, dịch tiêu hóa trong trường hợp có vỡ tạng rỗng kèm theo; Chống chỉ định với trường hợp vỡ tạng đặc gây chảy máu do ung thư.

Mai Chi

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top