Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (Quận 2, TPHCM): Cô chủ nhiệm thiếu chuẩn mực

(khoahocdoisong.vn) - Giáo viên chủ nhiệm được cho là có lời nói, hành vi chưa chuẩn mực như khi trẻ khóc cô bảo là "nước mắt cá sấu", phạt bằng cách dùng thước đánh vào tay.

Vừa qua, Báo Khoa học & Đời sống đã nhận được nhiều phản ánh  của nhiều phụ huynh lớp 2.1, Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (Quận 2, TPHCM) về việc giáo viên chủ nhiệm của lớp đã có những hành vi chưa chuẩn theo quy định ngành giáo dục khiến cho một số học sinh bị tâm lý sợ hãi và phụ huynh bất an khi đêm tối đi làm về, vẫn thấy tay của trẻ còn vết hằn do cô phạt. Có phụ huynh thấy con người khác bị thì cũng lo lắng vì không biết khi nào đến “lượt” con mình. Vì thế, một số phụ huynh đã nhờ đến báo chí can thiệp với mong muốn con trẻ được cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Phóng viên Báo Khoa học & Đời sống đã tiếp xúc với phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo phòng Giáo dục & Đào tạo quận 2 để tìm hiểu sự việc.

Phụ huynh “tố”  cách phạt của cô giáo

Theo phản ánh của phụ huynh thì cô D.L. - giáo viên chủ nhiệm lớp 2.1, có thâm niêm dạy học gần 20 năm, có năng lực chuyên môn cao, từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, cô luôn có một số hành vi chưa phù hợp như: Hay la mắng, gõ vào đầu học sinh khi trẻ viết sai chính tả, viết xấu, không viết hoa đầu dòng; Dùng thước kẻ để đánh vào tay học sinh khi trẻ phạm lỗi; Sử dụng một số từ ngữ không phù hợp với môi trường sư phạm như khi trẻ khóc, cô bảo là “nước mắt cá sấu”;…. Dọa các học sinh không được phần thưởng, không được khen cháu ngoan Bác Hồ… nếu không tham gia nuôi heo đất và không đóng góp sách truyện cho thư viện lớp; Đưa hình thức giảm nhẹ tội cho các bạn bằng cách tố cáo bạn mình sai cho cô biết; Áp dụng một số hình phạt như nhặt rác trong lớp từ 1-4 tháng, úp mặt vào tường cuối lớp học hay đứng khoanh tay ngoài hành lang lớp học …

Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, Q.2, TP.HCM

Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, Q.2, TP.HCM

Những hành vi trên đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý một số học sinh trong lớp khiến các cháu không muốn đi học. Theo họ, cô giáo chủ nhiệm đã không lắng nghe học sinh, la mắng, đánh trẻ trước mặt bạn khiến học sinh xấu hổ, tự ti, dọa dẫm khiến trẻ sợ sệt, dạy trẻ thói săm soi tố cáo người khác khi chưa rõ sự việc...

Thứ lỗi và cho cô một cơ hội để sửa sai

Tại buổi làm việc với phóng viên cùng Ban giám hiệu nhà trường, cô D.L. phân trần: “bản thân cô cầu toàn, làm như thế chỉ vì muốn tốt nhất cho học sinh chứ không hề muốn đạt thành tích hay gì khác. Cô giải thích vì muốn học trò viết đúng chính tả, ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi trong lớp hoặc khi trò làm việc sai mới áp dụng một số hình phạt cho các cháu để các cháu có thời gian nhận ra lỗi của mình”.

Giáo viên này nói thêm, cô nói “nước mắt cá sấu” là do cụm từ này có trong sách giáo khoa, bài sắp dạy cho học sinh trong chương trình nên sẵn áp dụng cho học sinh nhớ (?!) Sau khi được ban hiệu nhà trường mời lên làm việc, cô đã nhận ra một số hành vi của mình là chưa đúng, không phù hợp trong môi trường giáo dục hiện nay và hứa sẽ sửa chữa, khắc phục ngay và mong các phụ huynh và học sinh thông cảm, thứ lỗi cho cô và cho cô 1 cơ hội để sửa sai.

“Tại anh, tại ả” tại cả… Ban giám hiệu

Tại buổi làm việc ngày 16/10 với phóng viên và giáo viên chủ nhiệm lớp, bà Nguyễn Kim Thành - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Hiền cũng thừa nhận, theo quy định của ngành và đạo đức nhà giáo, những hành vi của cô D. L. là không phù hợp. Ngay sau khi nhận được phản ánh của báo hồi cuối tuần trước và thông tin của phụ huynh lớp 2.1, Ban Giám hiệu đã làm việc với cô D.L.  và yêu cầu cô D.L. làm bản tường trình, đồng thời Ban giám hiệu nhà trường cũng đã làm tường trình gửi cho lãnh đạo Phòng Giáo Dục & Đào tạo quận 2.

Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hướng xử lý của Ban Giám hiệu nhà trường là cho cô D.L. có cơ hội sửa sai là vẫn đứng lớp 2.1 trong thời gian 1-2 tháng nữa để khắc phục các hành vi không chuẩn của ngành giáo dục và để các phụ huynh yên tâm về cô giáo, nếu không đạt được điều đó thì nhà trường sẽ phân công cho giáo viên khác thay, tuy nhiên nhà trường đang thiếu giáo viên”.

Tối về, phụ huynh vẫn còn nhìn thấy vết cô đánh còn hằn trên tay con mình.

Tối về, phụ huynh vẫn còn nhìn thấy vết cô đánh còn hằn trên tay con mình.

Khi được hỏi tại sao giáo viên lại dùng hình phạt  phản giáo dục với học sinh như vậy thì Ban giám hiệu trả lời không biết, chỉ biết khi nghe phụ huynh và nhà báo phản ánh lên, sau đó thì mới liên hệ với giáo viên và khi giáo viên tường trình thì mới nắm được vấn đề. Được biết, tại buổi họp phụ huynh đầu năm, vấn đề phạt học sinh của lớp này cũng đã được cô giáo đưa ra hỏi phụ huynh học sinh và có một số ý kiến là cho giáo viên đánh vào mông, tay, cho chép phạt…..nhưng khi chúng tôi đề nghị Ban giám hiệu cho chúng tôi xem lại biên bản họp lớp thì Ban giám hiệu từ chối.

Còn giáo viên chủ nhiệm thì bối rối cho rằng chỉ muốn cho học sinh tốt hơn, vì thật sự có một số cháu rất nghịch, không ngoan, thậm chí có cháu còn tự cởi nút áo, tự đập tay vào mặt, đầu mình…và có lần còn cầm kéo định đâm vào mặt nên cô phải vứt hết kéo bút đi và dẫn bé ra ngoài dỗ dành cho bé bình tĩnh lại.

Cô D.L. cũng thấy buồn khi chia sẻ với Ban giám hiệu và chúng tôi: “Thật sự, các việc cô làm chỉ mong cho các bé tốt hơn, nhưng do công việc bận rộn nên kết thúc việc ở trường về nhà cũng quên gọi nói chuyện với phụ huynh. Thấy buồn vì các phụ huynh đã không trực tiếp hay gọi điện thoại cho  cô để trao đổi về các sự việc đó. Mà mãi đến khi có Ban đại diện cha mẹ học sinh đến gặp cô thì cô mới biết và cô đã gọi điện thoại để xin lỗi phụ huynh. Mặc dù điện thoại của cô luôn để 24/24”.

Một số phụ huynh cũng phản ánh, những hành vi của cô D.L. không chỉ mới xảy ra gần đây. “Vậy nhà trường đã thể hiện vai trò theo dõi, giám sát, lãnh đạo của mình như thế nào, để những hành vi chưa đúng mực lặp lại”, một vị phụ huynh thắc mắc.

Cả 3 bên nên “ngồi lại với nhau”

Thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 2 cho biết: “Tôi đã nắm sơ bộ tình hình sự việc từ các nguồn. Khi nào Ban giám hiệu nhà trưởng gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo thì tôi sẽ chỉ đạo trực tiếp, có hướng xử lý theo quy định của ngành”. Thầy Huy Tùng cho rằng, để đánh giá một sự việc, cần chiếu trên 3 yếu tố: Trình độ, kỹ năng và thái độ, trong đó thái độ là quan trọng nhất.

Theo đánh giá của thầy Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 2, trình độ, kỹ năng của cô giáo chủ nhiệm lớp 2.1 thì không có gì để nói, vấn đề còn lại do thái độ. Có thể do không đủ thời gian, không đủ sức do lớp đông nên có những lúc cô đã mất kiểm soát hành vi với một số học sinh. Việc cô răn đe, phạt học sinh… có mục đích là tốt, tạo động lực để học sinh học tốt, chăm ngoan hơn nhưng còn theo ý chủ quan của mình nên khiến phụ huynh bức xúc, phản ứng.

Thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Q.2 cho rằng cô giáo cũng vì muốn tốt cho học sinh nhưng còn hành xử theo ý chủ quan của mình.

Thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Q.2 cho rằng cô giáo cũng vì muốn tốt cho học sinh nhưng còn hành xử theo ý chủ quan của mình.

Theo thầy Huy Tùng, khi xử lý vấn đề này cần phải hết sức khéo léo vì có thể tạo tổn thương, hệ lụy cho cả đôi bên. Sau khi cô đã tường trình và làm việc với Ban Giám hiệu, nếu sự việc không quá nghiêm trọng thì nên cho cô giáo cơ hội để khắc phục. Việc đổi trường, đổi lớp cho trẻ phải cân nhắc vì trẻ cũng mất thời gian để hòa nhập, làm quen trong môi trường mới.

Thầy Huy Tùng nhấn mạnh: “Nếu cả 3 bên, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh ngồi lại với nhau thì nên bình tĩnh xem xét, chia sẻ ngọn ngành, bày tỏ tâm tư, chỉ ra chỗ sai để sửa, làm cho tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của các cháu chứ không phải khiến cho sự việc thêm căng thẳng”.

Nhóm phóng viên

Theo Đời sống
Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
back to top