Trường chuyên: Cần duy trì nhưng đổi mới, bỏ bệnh thành tích

(khoahocdoisong.vn) - Trong bất kỳ một lĩnh vực nào cũng cần có mũi nhọn, mô hình trường chuyên vẫn cần duy trì. Tuy nhiên, cần có sự đổi mới, và Bộ GD&ĐT cần có đánh giá cụ thể về mô hình này, chứ không phải chỉ trả lời “theo luật”.

LTS: Trong loạt bài Trường chuyên được khởi đăng vừa qua, KH&ĐS đã cung cấp cho độc giả các góc nhìn từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, và cả những học sinh tham gia thi tuyển vào trường chuyên về việc có nên giữ lại mô hình trường chuyên, có nên xã hội hóa trường chuyên không? Đa số các ý kiến đều cho rằng, trường chuyên có vai trò rất lớn trong việc đào tạo học sinh có năng lực vượt trội, cung cấp “đầu vào” tốt cho các trường đại học để đào tạo được “đầu ra” là nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường quốc tế. Cũng không thể xã hội hóa trường chuyên vì sẽ làm mất cơ hội học tập của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để tạm khép lại loạt bài này, KH&ĐS xin đăng ý kiến của ông Hoàng Văn Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ thay lời kết.

Bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có mũi nhọn

Trong bất kỳ một lĩnh vực nào, từ kinh tế, giáo dục, y tế… đều phải có mũi nhọn, đầu tàu, tạo hiệu ứng để lôi kéo toàn bộ lĩnh vực đó lên. Trong giáo dục cũng cần phải có mô hình như thế.

Hiện tại, chúng ta cũng đã thừa nhận mô hình các trường quốc tế, mô hình các trường chất lượng cao tư thục. Tức là trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng thế, không thể tất cả phải cào bằng như nhau, nghĩ như vậy là duy ý chí.

Đối với trường chuyên, vẫn cần phải duy trì, do Nhà nước đầu tư, để chủ động đào tạo đội ngũ chuyên gia cho tất cả các lĩnh vực, nhất là khoa học cơ bản, điều mà các trường tư thục thường sẽ không làm.

Ngoài ra, còn là để các học sinh nhà nghèo nhưng có năng khiếu có được cơ hội học tập tốt, phát triển được tài năng của mình.

Em Ngô Thu Hà, cựu học sinh Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, thủ khoa khối B trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Em Ngô Thu Hà, cựu học sinh Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, thủ khoa khối B trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Ở Trường THPT Chuyên Hùng Vương, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nếu nói rằng, trường chuyên là mô hình của người nghèo nuôi người giàu là không đúng, ít nhất là đối với trường tôi. Và những học sinh xuất sắc nhất của trường cũng là những học sinh nghèo.

Việc thi tuyển vào trường chuyên cũng rất nghiêm túc. Bằng chứng là con các thầy cô giáo thi trượt trường chuyên rất nhiều. 

Còn các “suất ngoại giao” thì có thể ở mỗi một trường chuyên vẫn có lớp không chuyên, hoặc lớp phổ thông trong trường chuyên, nhưng không nhiều.

Giả sử, nếu xã hội hóa trường chuyên, chắn chắn những học sinh nghèo sẽ không có điều kiện theo học.

Tôi cho rằng, mô hình trường chuyên vẫn cần duy trì. Việc tập hợp một lớp gồm những học sinh giỏi, ưu tú, cho các em một môi trường đào tạo tốt, để từ đó cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao, điều đó là rất cần thiết. Tuy nhiên, trường chuyên cần có những đổi mới.

Trường chuyên cần đổi mới, bỏ bệnh thành tích

Điều cần đổi mới đầu tiên đối với trường chuyên, đó là cần khắc phục căn bệnh thành tích.

Có một thực tế, nhiều trường chuyên chạy đua trong việc gặt hái các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (điều này chủ yếu tập trung ở các trường chuyên miền Bắc).

Bao nhiêu nguồn lực, sức lực của nhà trường tập trung hết vào các đội tuyển, nên những hoạt động khác lẽ ra cần phải tốt hơn thì lại không được đầu tư.

Theo tôi, đây là hạn chế rất lớn của trường chuyên. Đã đến lúc cần phải đánh giá lại và đổi mới tư duy, không chạy theo những thành tích như vậy nữa.

Bởi vì, không phủ nhận ý nghĩa của các giải đấu, tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần trong hoạt động giáo dục của trường chuyên. Một trường có cả ngàn học sinh chuyên, trong khi con số đi thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, mỗi năm chỉ chiếm một số lượng nhỏ. Không thể hy sinh tất cả nguồn lực cho số này được mà phải nhìn vào số đông còn lại. Điều quan trọng là đào tạo số đông đó để sau này trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, chứ không phải chỉ ở vài giải đấu.

Các em học sinh chuyên cũng cần học toàn diện hơn. Các kỹ năng mềm cần phải được quan tâm hơn.

Khi tôi lên làm hiệu trưởng, tôi đã tuyên bố sẽ không chạy theo thành tích thi học sinh giỏi nữa, mà sẽ tập trung cho giáo dục toàn diện để các em có cơ hội phát triển tốt hơn. Và hiện giờ Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng vẫn phát triển theo hướng như vậy.

Tuy nhiên, phải thấy một điều rằng, bệnh thành tích không hẳn do nhà trường, mà còn do sức ép từ trên xuống, từ tỉnh về đến sở, từ sở về đến trường, và các trường bị kẹt vì sức ép này.

Ví dụ, chỉ cần một câu hỏi từ “cấp trên”: “Năm nay sao ít giải quốc gia thế” thì đã “mệt” rồi. Cho nên, để chặn căn bệnh thành tích này, còn cần sự đổi mới của từ “trên” nữa.

Một điều cần đổi mới nữa, theo tôi là thi tuyển làm sao phải lựa chọn được những học sinh thực sự có năng khiếu, có tài năng.

Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá lựa chọn đầu vào trường chuyên mới chỉ là ở kiến thức văn hóa. Như vậy, những em nào có lợi thế, được ôn luyện nhiều hơn, như ở thành phố sẽ có điều kiện hơn nông thôn, là chuyện khó tránh.

Điều đó dẫn đến việc, có thể có những em ở vùng sâu vùng xa có năng khiếu nhưng không đỗ.

Và một điều nữa, cũng có thể xem xét lại tên gọi “trường chuyên” đã hợp lý chưa. Theo tôi, gọi là trường “năng khiếu” có vẻ hợp lý hơn, vì là chọn lựa, đào tạo những em có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có lên tiếng về vấn đề này, nhưng theo tôi, Bộ GD&ĐT cần có những đánh giá cụ thể. Ít nhất khi đăng đàn,  Bộ cũng có câu trả lời với công chúng, rằng, trường chuyên qua gần 10 năm hoạt động thì hiệu quả đến đâu? Từ đó, hướng tiếp theo sẽ là như thế nào?

Bởi đề án về trường chuyên do Bộ GD&ĐT phụ trách, có những tiêu chí thì phải có sự giám sát, hoàn toàn có thể đánh giá được… Chứ không phải chỉ nói theo luật. Bởi kể cả luật không hợp lý thì vẫn phải có sự tham mưu để điều chỉnh, đó mới là bản lĩnh của người quản lý.

Mô hình trường chuyên là rất tốt nhưng chưa phải tốt nhất

Trường chuyên đang là mối quan tâm hàng đầu trong xã hội, đặc biệt là khi thi cử đang bước vào giai đoạn nóng nhất như hiện nay. Bàn về những vấn đề xoay quanh chủ đề này, trong buổi toạ đàm “Trường chuyên trong thời đại 4.0” vừa diễn ra tại TPHCM, TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu TPHCM đã có những chia sẻ sâu sắc.

Hệ thống trường chuyên đóng góp một phần rất lớn trong việc đào tạo nhân tài cho cả nước. Nhưng không thể phủ nhận những áp lực vô hình mà môi trường học tập trong trường chuyên gây ra. Có một số học sinh sẽ không theo kịp, dẫn đến tình trạng “tự đào thải”.

Việc học là do mỗi học sinh tự chọn, trường chuyên cũng hướng việc học theo từng nhóm, ví dụ các em trong đội tuyển thi học sinh giỏi sẽ có cách học khác  học sinh còn lại. Nếu quá áp lực thì không nên ép mình quá để chạy theo các bạn khác trong đội tuyển, chỉ nên theo khả năng của mình. 

Thực tế cho thấy, để vào trường chuyên, học sinh cần cố gắng ngay từ nhỏ, đặt ra một mục tiêu và theo đuổi đến cùng. Vậy nên, học sinh ở các trường chuyên có tư chất rất đặc biệt vì đã được sàng lọc ngay từ đầu vào, các em cần có khả năng học đều các môn, không chỉ môn chuyên của mình.

Cao Hoàng Đức, cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong, nhận được học bổng toàn phần từ trường Ashbourne College sau vỏn vẹn chỉ 2 năm học THPT, cũng cho rằng, khi đã là một học sinh trường chuyên là phải chấp nhận áp lực, áp lực từ gia đình, áp lục từ nhiều người xung quanh và áp lực từ chính các bạn cùng lớp. Nhưng theo Đức, áp lực là điều đương nhiên. May mắn là trong suốt những năm học tại đây, Đức luôn được các thầy cô đồng hành và hỗ trợ vượt qua sự áp lực vô hình này.

Cũng theo TS Trần Nam Dũng, trường chuyên phải không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới để có thể phát triển thành trường “năng khiếu”. Bởi vì theo ông 2 chữ “trường chuyên” là giới hạn, học sinh chuyên bây giờ đến lớp cần phải được học hỏi những điều khác, như học sinh chuyên toán không đến trường chỉ dể học toán mà còn học thể thao, văn học… Vậy nên trường chuyên phải phát triển theo hướng tự do để học sinh có thể phát huy được tất cả sở trường vốn có. Mô hình trường chuyên chúng ta đang làm rất tốt nhưng chưa phải là tốt nhất”.

Tú Anh - Tâm Nghi

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top