Trung tâm TPHCM không còn khả năng tiếp nhận thêm khí thải ô nhiễm

(khoahocdoisong.vn) - Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi Khí hậu, Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố kết quả “Nghiên cứu phân vùng xả thải khí thải cho các nước đang phát triển: Trường hợp TPHCM”.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam chỉ ra khu vực nào ở TPHCM không còn khả năng tiếp nhận thêm khí thải ô nhiễm nữa từ nay đến năm 2030. Các tác giả mô phỏng chất lượng không khí ở TPHCM tại các thời điểm khác nhau: 2017, 2025 và 2030 bằng mô hình TAPM-CTM dựa trên dữ liệu đầu vào kiểm kê phát thải từ năm 2017, dữ liệu khí tượng quan trắc từ trạm Tân Sơn Hòa và dữ liệu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong 10 năm tiếp theo.

Kết quả, nồng độ CO, NO2 và Ozone của TPHCM vào thời điểm năm 2017 đã vượt từ 1,1 - 1,5 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh, chỉ có nồng độ SO2 là vẫn dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, các giá trị này sẽ càng tăng vào năm 2025 và 2030, nếu chính quyền địa phương không có kế hoạch giảm phát thải. Đặc biệt SO2, chất khí độc thường sinh ra trong quá trình đốt cháy nguyên liệu, cũng được dự báo sẽ cao hơn 1,02 lần so với quy chuẩn vào năm 2030.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, khu vực trung tâm TPHCM không còn khả năng nhận thêm lượng phát thải, thậm chí cần phải giảm lượng phát thải xuống hơn một nửa (58%). Do đó, chính quyền thành phố nên xem xét giảm đô thị hóa và phát triển công nghiệp ở khu vực này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, cần giảm phương tiện cá nhân trong khu vực này vì theo kiểm kê phát thải, đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính của TPHCM.

Các nhà khoa học khuyến nghị rằng, chiến lược tốt nhất để kiểm soát khí thải ở TPHCM là tránh phát triển công nghiệp và đô thị ở những vùng đầu gió để có được chất lượng không khí tốt hơn cho cả hai khu vực Đông-Tây. Trong trường hợp cần thiết phải chọn một khu vực để phát triển, thì khu vực đón gió phía sau cần được ưu tiên.

Theo Đời sống
back to top