Trung Quốc và Ấn Độ quay cuồng vì thiếu than sản xuất điện

Hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á đang chạy đua để kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng.

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu điện, nhằm xoa dịu lo ngại giá cả tăng vọt khi khi các trung tâm khai thác than lớn của nước này phải đối mặt với mưa lớn, và tai nạn chết người.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo ở Ấn Độ đang cảnh báo các khu vực quan trọng, bao gồm cả thủ đô New Delhi, có thể đối mặt với một cuộc "khủng hoảng điện" khi chi phí điện tăng cao. Dù chính phủ Ấn Độ cam kết có đủ nguồn than để đáp ứng nhu cầu.

Trên bình diện rộng hơn, nhu cầu năng lượng đang tăng cao trên toàn thế giới khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại. Nhưng nguồn cung không theo kịp.

Trung Quốc: Giá than cao nhất mọi thời đại

Ở Trung Quốc, tình trạng thiếu điện là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố. Từ sự bùng nổ xây dựng sau đại dịch, đến việc Trung Quốc thúc đẩy giảm lượng khí thải carbon.... Khiến từ đầu năm, hàng trăm mỏ than phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng.

Hạn chế nhập than từ Úc và thảm họa thời tiết đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Mưa lớn ập xuống các tỉnh Sơn Tây và Thiểm Tây, hai trung tâm khai thác chính chiếm gần một nửa sản lượng than của Trung Quốc.

Một sự cố liên quan đến tai nạn tại một mỏ than ở thành phố Hàm Dương của Thiểm Tây đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Theo Tân Hoa xã, vụ việc khiến 4 thợ mỏ thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng. Tai nạn xảy ra vài ngày sau khi chính quyền tỉnh cảnh báo tất cả các mỏ phải tăng cường kiểm tra an toàn. Tân Hoa xã cho biết chính quyền địa phương vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Giá than, vốn chủ yếu được sử dụng để sản xuất điện, tiếp tục tăng. Trên sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu, giá than có lúc ghi nhận tăng lên mức kỷ lục mới, với gần 1.508 nhân dân tệ (234 USD) / tấn.

chartgia-than-bloomberg-1634009865540.png
Giá than tại Trung Quốc liên tục tăng (Ảnh Bloomberg)

Theo các nhà phân tích, vấn đề này sẽ "làm gia tăng rủi ro lạm phát và áp lực tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu trong mùa đông tới. Khi giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Thời tiết "cực kỳ bất thường" đã buộc 60 mỏ than ở Sơn Tây phải đóng cửa vào đầu tháng này - theo một bài báo đăng hôm thứ Hai trên trang web của Bộ Quản lý Khẩn cấp.

Chính quyền Sơn Tây cho biết hôm thứ Ba, hầu hết tất cả các mỏ đều đã tiếp tục sản xuất trở lại, trừ 4 mỏ phải vẫn tạm dừng.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - đã cố gắng xoa dịu những lo ngại về vấn đề đang diễn ra. Hôm thứ ba, Ủy ban này nhắc lại rằng chính phủ sẽ cho phép các nhà sản xuất nhiệt điện từ than được phép tính phí nhiều hơn - một chỉ báo cho thấy giá điện có thể tăng.

Bắt đầu từ thứ Sáu, tất cả những người sử dụng năng lượng công nghiệp và thương mại sẽ phải mua điện với giá "theo định hướng thị trường" - cơ quan này cho biết.

Bắc Kinh đã nói rõ rằng giá điện sẽ được phép tăng tới 20% so với mức cơ bản hiện tại, hoặc giá chuẩn do chính phủ đặt ra. Hiện tại, giới hạn là 10%.

Người dân và ngành nông nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng, cơ quan này trấn an.

Ấn Độ: Than dự trữ một nửa số nhà máy chỉ còn 2 ngày

Trong khi đó, tại Ấn Độ, các nhà lãnh đạo nhà nước đang cảnh báo chính quyền trung ương về nguy cơ thiếu hụt than.

Cuối tuần qua, Thủ hiến Delhi, Arvind Kejriwal đã viết trên tweet, rằng thủ đô "có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng quyền lực". Và, ông đã viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi, để cảnh báo về tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

an-do-1456-1634013222-1-.jpg
Cột điện và ống khói của nhà máy Nhiệt Điện tại Ấn Độ (Ảnh Bloomberg)

Kejriwal kêu gọi chính phủ chuyển nguồn cung cấp than và khí đốt cho các cơ sở cung cấp điện cho thủ đô. Ông cho biết, đó là "điều cần thiết để duy trì nguồn điện liên tục ở Delhi, phục vụ cho các cơ sở chiến lược và quan trọng có tầm quan trọng quốc gia".

Thủ hiến của miền nam Andhra Pradesh, Jagan Mohan Reddy, gần đây cũng nói với Thủ tướng Modi rằng tình hình là "đáng báo động." Dự trữ than tại hầu hết các nhà máy điện của Ấn Độ đã giảm xuống mức cực kỳ thấp.

Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) cho biết có tới 61 trong số 135 nhà máy nhiệt điện ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có nguồn dự trữ than từ hai ngày trở xuống, CEA cho biết thêm, dự trữ than tại 16 nhà máy trong số trong số đó đã giảm xuống 0.

Nhưng chính phủ Ấn Độ vẫn khẳng định rằng họ có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu.

Tổng lượng nhiên liệu dự trữ tại các nhà máy chạy bằng than vào khoảng 7,2 triệu tấn, đủ dùng trong 4 ngày - Cơ quan quản lý than cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật.

Ngoài tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ thuộc sở hữu của chính phủ là Coal India có trữ lượng hơn 40 triệu tấn. Cơ quan này cho rằng "Mọi lo ngại về sự gián đoạn trong cung cấp điện là hoàn toàn không đúng chỗ".

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại ANZ, tình hình ở Ấn Độ vẫn hết sức "bấp bênh".

Trong khi Ấn Độ cho biết nguồn cung hàng ngày của họ đã tăng, các nhà phân tích lưu ý rằng một số tỉnh đang "nhận được ít hơn một nửa sản lượng theo hợp đồng", và tình trạng thiếu điện ở các bang Punjab và Jharkhand đang ngày càng trầm trọng.

Theo Đời sống
back to top