Trung Quốc lập 'khách sạn lợn' để bảo vệ nguồn cung

Khách sạn lợn' cao tầng đang là một giải pháp mới của Trung Quốc để bảo vệ đàn lợn trước những dịch bệnh như tả lợn châu Phi.

Trung Quốc đang đưa an toàn sinh học cho lợn lên một tầm cao mới. Một tòa nhà cao 13 tầng ở miền nam nước này đã được trưng dụng để nuôi 10.000 con lợn. Lợn tại đây được sống trong môi trường an ninh nghiêm ngặt với camera giám sát, lối ra vào hạn chế, dịch vụ thú y tại chỗ và bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận.

Quy trình nghe có vẻ xa xỉ trên là một cách tiếp cận hiện đại của nước này đối với an toàn sinh học cho nguồn cung lợn, loại thịt chính trong khẩu phần ăn của người Trung Quốc, trước các loại virus bao gồm dịch tả lợn châu Phi xóa sổ một nửa số đàn lợn cả nước trong hai năm 2018, 2019.

Mô hình này có biệt danh là "khách sạn lợn", được xây dựng bởi các công ty bao gồm Muyuan Foods và New Hope Group, mô phỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà các nhà cung cấp lớn ở các quốc gia khác đã sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh quái ác.

Rupert Claxton, Giám đốc ngành thịt của công ty tư vấn Gira (Anh), đánh giá Trung Quốc đang học hỏi các phương pháp hay nhất từ châu Âu và Mỹ để thu hẹp khoảng cách an toàn sinh học. "Trong 20 năm, họ đã làm được điều mà người Mỹ có lẽ phải mất 100 năm mới làm được", ông nói.

Bên trong một trại nuôi lợn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Bên trong một trại nuôi lợn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát dữ dội ở Trung Quốc vào năm 2018. Trong vòng một năm, một nửa đàn lợn hơn 400 triệu con của quốc gia này đã bị xóa sổ - nhiều hơn toàn bộ sản lượng hàng năm của Mỹ và Brazil cộng lại - dẫn đến giá cả tăng vọt và nhu cầu nhập khẩu lớn chưa từng có.

Khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, chính phủ nước này đã phải chuyển sang nguồn thịt lợn đông lạnh khẩn cấp để hạ nhiệt giá. Cùng với đó, các chính sách nông nghiệp mới được thiết lập để chuyển dịch hoạt động chăn nuôi sang hướng công nghiệp hiện đại.

Đến nay, số lượng lợn hơi trong nước phục hồi nhanh hơn dự đoán, do các trang trại lớn đã mở rộng công suất một cách mạnh mẽ. Thậm chí, giá thịt lợn bán buôn đã giảm thấp đến mức chính phủ phải phát tín hiệu cảnh báo, khiến các kho dự trữ quốc gia phải tiến hành thu mua để giữ giá thị trường.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ virus vẫn tồn tại, với 11 sự cố được báo cáo vào năm 2021, khiến hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn mới gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và có thời gian ủ bệnh lâu hơn, đang làm phức tạp các nỗ lực phát hiện và ứng phó.

Ở các nước phát triển, chăn nuôi lợn được thống trị bởi các trang trại lớn. Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan, những quốc gia có tiêu chuẩn an toàn sinh học tốt nhất trên toàn cầu, chưa bao giờ báo cáo một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi nào trong những năm gần đây.

Chính vì vậy, Trung Quốc cũng đang cố gắng cải thiện tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp của mình. Tính đến năm 2020, 57% sản lượng lợn của cả nước là từ các trang trại công suất hơn 500 con mỗi năm. Trước khi bùng phát dịch năm 2018, chỉ khoảng 1% sản lượng đến từ các nhà cung cấp lớn.

Tập đoàn New Hope gần đây đã hoàn thành 3 tòa nhà 5 tầng trên diện tích bằng 20 sân bóng đá ở quận Bình Quan phía đông Bắc Kinh. Cơ sở này sẽ sản xuất 120.000 con lợn mỗi năm, trở thành "khách sạn lợn" lớn nhất ở Bắc Kinh.

Theo Gong Jingli, Giám sát viên phụ trách cơ sở này cho biết các tòa nhà được trang bị robot theo dõi tình trạng sốt, lọc không khí và hệ thống cho ăn và khử trùng tự động. Để giảm thiểu rủi ro, nhân viên được yêu cầu tắm rửa và thay quần áo khi ra vào cơ sở - giống như các nhà khoa học làm việc trong các phòng thí nghiệm an toàn sinh học. Đồng hồ đeo tay của họ cũng phải được để bên ngoài.

Tom Gillespie, bác sĩ thú y ở Mỹ với 40 năm kinh nghiệm và thường xuyên đến thăm các trang trại ở châu Á, cho biết anh được yêu cầu tháo cả nhẫn cưới trước khi vào một cơ sở ở Trung Quốc, nhưng vẫn được phép đeo kính. Ông nói, yêu cầu đặt ra nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Một số trang trại lớn còn xây dựng các ký túc xá cho nhân viên để cố gắng hạn chế sự tiếp xúc của công nhân với bên ngoài. Ông Rupert Claxton của Gira cho biết thêm, châu Âu và Mỹ có những hạn chế về quy mô của các trang trại vì người dân lo ngại về môi trường. Nhưng ở Trung Quốc thì dường như rất khác. "Nếu họ quyết định cần có một trại lợn lớn, thì sẽ có đất để bố trí", ông nói.

Mở rộng không gian chăn nuôi theo chiều dọc đang là lựa chọn phổ biến. Đô thị hóa nhanh chóng đã làm giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp và các quy định về môi trường đã khiến việc chăn nuôi thâm canh ngày càng trở nên khó khăn ở các khu vực đô thị.

New Hope cho biết, các khu nhà cao tầng có thể cắt giảm một phần ba diện tích sử dụng đất nông nghiệp so với các trang trại truyền thống với cùng số lượng lợn. Nó còn có sự linh hoạt về vị trí, vì một số có thể được xây dựng trên núi. Ông Gong Jingli cho biết, nước thải từ trại lợn được xử lý và sử dụng để tưới các vườn cây ăn quả gần đó, trong khi chất thải rắn được biến thành phân bón.

Muyuan Foods, nhà chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, cho biết đã có sẵn quỹ đất để nuôi 100 triệu con lợn. Jiangxi Zhengbang Technology, công ty lớn thứ hai, cho biết đàn gia súc của họ cũng có thể đạt đến quy mô tương tự.

Sự gia tăng của các trang trại lớn cũng phản ánh sự thay đổi chế độ ăn ở Trung Quốc. Với chương trình xóa đói giảm nghèo trong những thập kỷ qua, kinh tế nước này phát triển nhanh chóng. Việc 1,4 tỷ người gia tăng thu nhập đồng nghĩa họ đang ăn nhiều thịt, trứng và các loại protein động vật khác. Điều đó thúc đẩy chăn nuôi thâm canh hơn.

"Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới và tôi không thấy điều đó sẽ thay đổi dễ dàng. Xây dựng lại ngành thịt lợn là ưu tiên quốc gia của chính phủ", David Ortega, Phó giáo sư kinh tế nông nghiệp và thực phẩm tại Đại học Michigan State ở East Lansing (Michigan, Mỹ), đánh giá.

Phiên An (theo SCMP)

Theo vnexpress.net
back to top