Trung Quốc kích cầu, hàng Việt thêm sức ép

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 1 điểm phần trăm, đồng nghĩa với “bơm” thêm 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 218 tỷ USD) vào nền kinh tế. Trung Quốc “kích cầu” sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế các nước khác, trong đó có Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã có cuộc trao đổi với KHĐS về vấn đề này.

Thưa ông, đâu là lý do chính khiến Trung Quốc quyết định bơm hơn 218 tỷ USD vào nền kinh tế nước này?

Đây là một biện pháp được chính phủ Trung Quốc áp dụng nhằm kích cầu tình trạng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hiện xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chưa giảm ngay, nhưng sẽ giảm mạnh trong tương lai. Niềm tin là giảm này gây tác động nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc. Doanh nghiệp ngừng sản xuất dẫn đến nhu cầu đầu tư và tăng sản xuất giảm, làm kinh tế suy giảm. Để cứu vãn, bơm tiền là cách hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp và kích thích tổng cầu lên.

Trung Quốc bơm tiền để đối phó với khó khăn của nền kinh tế.

 Trung Quốc bơm tiền để đối phó với khó khăn của nền kinh tế.   

Theo ông, tác động của biện pháp kích cầu này có ảnh hưởng tới Việt Nam thế nào?

Động thái “bơm” tiền là nhằm hạ lãi suất, cứu doanh nghiệp, kích thích đầu tư. Tuy nhiên “bơm” tiền cũng dẫn đến đồng nhân dân tệ giảm giá, tác động rất lớn tới hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài, trong đó có hàng vào Việt Nam.

Hàng Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn. Vậy là lợi hay hại?

Lợi hay hại tùy thuộc từng góc độ. Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm. Khi đồng nhân dân tệ yếu đi mà tỷ giá VND không điều chỉnh tương ứng, thì hàng Trung Quốc sẽ vào Việt Nam với giá rẻ hơn, chiếm lĩnh thị trường, gia tăng cạnh tranh với hàng Việt Nam.

Mặt khác, do chiến tranh thương mại, hàng Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ buộc phải bán sang các nước khác và phải hạ giá do dư thừa hàng hóa. Cộng thêm động thái “bơm” tiền khiến giá hàng Trung Quốc tiếp tục giảm, gây áp lực cho hàng hóa Việt Nam. Việt Nam nhập hàng tiêu dùng từ Trung Quốc rất nhiều nhưng nhập nguyên vật liệu cho sản xuất còn nhiều hơn. Nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá thì đây cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn.

Những ngày qua, tỷ giá nhân dân tệ (CNY) tại Việt Nam chưa có sự biến động. Hẳn những tác động này cần phải có một quá trình dài...?

Ảnh hưởng có thể diễn ra dần dần trong năm nay. Ngoài ra còn có nhiều ảnh hưởng khác như làm đổi hướng thương mại, thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy các nhà thầu Trung Quốc sang Việt Nam... Hiện có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư gián tiếp thông qua mua bán cổ phần doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực nông sản, bất động sản... sau đó thâu tóm quyền quản lý. Đây cũng là một ảnh hưởng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top