Trung Quốc dừng thông quan cửa khẩu Ái Điểm

Phía Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc) - Chi Ma (Việt Nam) từ ngày 14/3 do phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 tại trấn Ái Điểm

Sau khi Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có điện thoại trao đổi đề nghị nối lại thông quan, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở lại cửa khẩu trong ngày 17 hoặc 18/3.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tồn rất nhiều xe hàng xuất khẩu.

Đến 20 giờ ngày 15/3, đang tồn 1.325 xe, trong đó 942 xe chở trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, cũng trong ngày 15/3, Lạng Sơn xuất 43 xe hàng và nhập khẩu 82 xe hàng.

Sáng ngày 16/3, trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội về tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, đến khi chính sách phía bạn thay đổi thì gặp khó.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, nếu cứ làm theo cách cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành Nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Trước mắt, tinh thần là "tắc ở đâu thì phải thông ở đấy", Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các “vùng xanh” an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trước mắt, để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, cần minh bạch, nắm rõ thông tin nguồn cung hàng hóa nông sản từ thời điểm gieo trồng, ngay từ địa phương để kịp thời tìm kiếm thị trường, đầu ra cho nông sản. Về dài hạn, cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng nông sản.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây không phải là vấn đề ngày một, ngày hai, mà cần có chiến lược căn cơ từ người nông dân, doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Đời sống
back to top