Trung Quốc công bố lệnh trừng phạt những người ly khai Đài Loan

Ngày 5/11, Trung Quốc công bố các biện pháp cụ thể trừng phạt những người đòi ly khai đảo Đài Loan. Trong đó có hàng loạt lệnh cấm tương tự như những lệnh trừng phạt mà Mỹ thường áp dụng đối với các quốc gia và nhân vật thù địch.

Cụ thể, lệnh trừng phạt bao gồm cấm những người ly khai cứng rắn và gia đình nhập cảnh vào đại lục cùng các đặc khu hành chính Hong Kong và Macao.

Đồng thời hạn chế các cơ quan, tổ chức liên quan đến những nhân vật này hợp tác với các tổ chức và cá nhân ở đại lục vì lợi ích kinh tế, những người này sẽ bị truy nã suốt đời để chịu trách nhiệm hình sự.

Các chuyên gia cho biết, động thái này chỉ là bước khởi đầu để buộc những người ly khai cứng rắn phải chịu trách nhiệm hình sự. Và cho thấy sự thống nhất hoàn toàn của đất nước là không thể cưỡng lại, khi Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp cụ thể về luật pháp. Để qua đó tháo gỡ trở ngại, và khẳng định rằng, những kẻ cố gắng đòi ly khai đảo Đài Loan khỏi đại lục sẽ phải đối mặt với sự truy đuổi suốt đời vì những cáo buộc phạm tội.

Ngoài lệnh cấm nhập cảnh, Bắc Kinh không cho phép các công ty hoặc các nhà kinh doanh của những người ly khai cứng rắn này kiếm lợi từ Trung Quốc, đồng thời sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt khác - Zhu Fenglian, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện - phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 5/11.

Zhu nêu tên ba người ly khai cứng răn là Soo Tsing-tshiong, You Si-kun và Joseph Wu. Nhấn mạnh rằng một số người ly khai trên đảo đã cường điệu các cuộc đối đầu xuyên eo biển, tấn công ác ý vào đất liền, cấu kết với các lực lượng nước ngoài để chia rẽ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự ổn định trên eo biển Đài Loan và gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Zhu không nêu tên lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và cũng không cho biết bà Thái Anh Văn có trong danh sách trừng phạt hay không.

Soo Tsing-tshiong là lãnh đạo cơ quan hành pháp của Đài Loan, You Si-kun là chính trị gia của Đảng Tiến bộ Dân chủ và là người đứng đầu cơ quan lập pháp của Đài Loan, Joseph Wu là lãnh đạo cơ quan đối ngoại của Đài Loan đã tích cực thúc đẩy phong trào đòi độc lập của hòn đảo này.

"Chúng tôi muốn nói với những người ly khai cứng rắn này, những ai quên di sản, phản bội quê hương, tìm cách chia cắt đất nước sẽ không có kết cục tốt đẹp, sẽ bị người dân khinh bỉ và bị lịch sử lên án. Trung Quốc sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự cho họ suốt đời" - Zhu nói.

Các quan chức thuộc Văn phòng các vấn đề Đài Loan nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, nhiều cá nhân ở Đài Loan thu được lợi nhuận từ sự phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển, nhưng đánh lừa người dân và tuyên bố "đòi độc lập vì lợi ích cho Đài Loan".

Những biện pháp được công bố sẽ ngăn chặn những cá nhân hai mặt kiếm tiền từ đại lục đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Theo các chuyên gia Đài Loan "nhà lập pháp" của DPP, Ho Chih-wei, có công việc kinh doanh gia đình trong ngân hàng Sunny Bank do mẹ và cha dượng kiểm soát, sở hữu một công ty cho thuê tài chính do Đài Loan tài trợ ở đại lục. Đồng thời ông Ho chủ trương ly khai ở Đài Loan và gọi đại lục là "đối thủ".  

Một số bộ phim truyền hình Đài Loan, do đài truyền hình ủng hộ ly khai Sanlih Entertainment tại Đài Loan cấp vốn đang được chiếu ở đại lục.

Ngân hàng Union của Đài Loan, doanh nghiệp gia đình của người sáng lập tờ báo ly khai Liberty Times Lin Rong-San, cũng đang kinh doanh các dịch vụ thẻ tín dụng và thẻ UnionPay.

Shaw Chong-hai, nhà báo và là cựu hiệu trưởng trường khoa học xã hội tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Loan cho biết, một số người công khai ủng hộ đòi ly khai ở Đài Loan, nhưng những người thân đã hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đại lục trong nhiều năm. Các doanh nhân Đài Loan chưa bao giờ ngăn cản người thân theo đuổi các hoạt động ly khai hoặc chống lại Bắc Kinh.

Vấn đề trở thành lựa chọn đơn giản: nếu những người trên đảo chủ trương ly khai, thì không thể đến Trung Quốc đại lục để kiếm tiền.

Trong tương lai gần, bất kỳ ai có khuynh hướng ly khai hoặc công khai ủng hộ chủ nghĩa ly khai, bằng lời nói hay hành động, sẽ không thể có được giấy chứng nhận nhập cảnh vào đại lục và Hong Kong, Macao - Shaw nói.

Do đó, các tổ chức kinh tế, hoạt động ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macao sẽ xa lánh những người ly khai, cắt họ và gia đình khỏi nguồn tài sản đang sinh lời ở Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

Wang Jianmin, chuyên gia cao cấp về hai bờ eo biển tại Đại học Sư phạm Minnan, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, nói Thời báo Hoàn Cầu: "Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, có thể ảnh hưởng đến sinh thái chính trị đảo Đài Loan và nhận định của người dân Đài Loan về mối quan hệ thực chất trên eo biển".

Bà Zhu cũng nhấn mạnh rằng, những người ly khai cứng rắn trên đảo Đài Loan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có giá trị suốt đời.

Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đại lục thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với những người ly khai, kể từ khi danh sách những người ly khai Đài Loan cứng rắn được truyền thông Hồng Kông công bố vào năm 2020.

Lệnh trừng phạt này không chỉ ngăn chặn những người ly khai mà còn là giải pháp cách ly lực lượng ly khai với người dân trên đảo. Đồng thời Bắc Kinh cũng tiến hành các biện pháp chi tiết hơn trên đảo Đài Loan để thúc đẩy thống nhất đất nước.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc công bố danh sách những người theo chủ nghĩa ly khai Đài Loan cứng rắn là một cảnh báo, việc giáng đòn trừng phạt vào những người này cho thấy cảnh báo không phải là lời nói suông.

Trung Quốc đã chuyển từ cảnh báo những người ly khai Đài Loan sang trừng phạt và triệt hạ bằng hành động cụ thể. Và sẽ có nhiều động thái cứng rắn tiếp theo hơn trong tương lai.

Những theo chủ nghĩa ly khai cứng rắn, như Soo Tsing-tshiong và You Si-kun ngay lập tức phản ứng với đại lục, gọi các biện pháp trừng phạt là "huy chương danh dự".

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc không nêu tên nhà lãnh đạo Thái An Văn cho thấy, Bắc Kinh vẫn để ngỏ một cơ hội cho hòa bình.

Ông Wang nói: “Trong tình huống bà Thái Anh Văn thực hiện các động thái mạnh mẽ hơn trong vấn đề ly khai, mọi chuyện có thể thay đổi. Lệnh trừng phạt của Đại lục là một biện pháp quan trọng nhằm đối phó với những ý đồ của chính quyền Mỹ và Đài Bắc, khi lực lượng Đảng Tiến bộ Dân chủ thúc đẩy ly khai và Mỹ muốn tạo ra "một Trung Quốc, một Đài Loan" để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top