Trụ Quốc Thượng Tướng quân Doãn Nỗ

Trụ Quốc Thượng tướng quân Doãn Nỗ (1393 -1439), còn gọi là Lê Nỗ, khai quốc công thần thời Lê sơ; một trong 50 tướng soái đầu tiên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngày 7/2/1418.

Sách về truyền thống gia tộc họ Doãn.

Vọng tộc lâu đời
Doãn Nỗ xuất thân từ một vọng tộc khá lâu đời ở Kẻ Nưa (nay là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Theo tộc phả họ Doãn ghi lại thì “Doãn tộc bột khởi tự Lý trào” (nổi lên từ triều Lý), gắn liền với tên tuổi hai vị khởi tổ Doãn Anh Khải thời Lý Thần Tông (1108 – 1138) làm quan đến Lệnh thư gia và Doãn Từ Tư (1138 – 1175) làm Trung vệ đại phu. Cả hai vị đều được vua triều Lý tin cẩn, giao trọng trách đi sứ nhà Tống.
Hậu duệ họ Doãn sang đời Trần, nổi bật nhất là Doãn Băng Hải (1272 – 1332) đậu Tiến sĩ, sau làm tới Thượng thư bộ Hình, phong Thiếu bảo, rồi Thiếu phó, tước Hương hầu đời vua Trần Hiển Tông. Ông định cư ở đất được phong tại Doãn Xã (thôn Ngọc Lâu, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Cháu bốn đời Doãn Băng Hải là Doãn Quyết (1344 – 1410) dời nhà về lại quê gốc Cổ Định, ông đỗ Thái học sinh, làm quan đến Cung hiển đại phu thời hậu Trần, ông sinh hai con trai Doãn Năng và người con thứ, chính là tướng quân Doãn Nỗ.
Giặc Minh xâm lược, năm Ất Mùi (1415) chúng tàn sát dân vùng Nông Cống, giết hơn 3.000 người, riêng hương Cổ Na (Kẻ Nưa) chỉ còn 18 người chạy thoát, trong đó có hai anh em Doãn Năng, Doãn Nỗ.
Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Doãn Nỗ sớm đến với nghĩa quân, trở thành 50 tướng soái đầu tiên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngày 7/2/1418.
Thắng trận Thuận Hóa
Năm 1425, Lê Lợi cử ông cùng Trần Nguyên Hãn đem quân nam tiến vào đánh Tân Bình, Thuận Hóa.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…Ất Tỵ (1425),…, Mùa thu, tháng 7 (âm lịch), vua dự đoán thành giặc ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô, bèn sai Tư đồ Trần Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ (Doãn Nỗ) báo cho bọn Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và một thớt voi ra đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ dân.

Đến sông Bố Chính thì gặp giặc Minh, bọn Hãn đưa quân vào chỗ hiểm yếu, bí mật mai phục ở Hà Khương để nhử giặc. Tướng Minh là Nhậm Năng đem hết quân tiến vào. Bọn Hãn hợp binh tượng còn lại để đánh rồi giả cách thua chạy. Năng đuổi theo, quân mai phục đánh kẹp hai bên, giặc Minh tan vỡ, bị chém đầu và chết đuối rất nhiều. Bấy giờ, quân của Hãn và Nỗ có ít mà quân giặc còn rất đông, đã sai người báo gấp và xin thêm quân từ trước.

Vua sai tiếp bọn Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền chiến vượt biển đến thẳng chỗ đó. Đến khi được tin thắng trận của Nỗ, liền thừa thắng đánh vào các xứ ở Tân Bình, Thuận Hóa; dân các nơi này đều quy thuận. Quân Minh buộc phải vào thành cố thủ. Thế là Thuận Hóa, Tân Bình đều thuộc về ta cả…”
Vùng Hà Khương, trận địa mai phục của Doãn Nỗ và Trần Nguyên Hãn, có thể nay là vùng đất thuộc các làng Hà Môn, xã Cự Nẫm, làng Khương Hà, xã Hưng Trạch và một phần xã Liên Trạch đều thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm ở phía Nam sông Gianh, dọc theo tả ngạn bờ phía đông sông Son, nhánh của sông Gianh, chảy ra từ động Phong Nha, xã Sơn Trạch.
Theo Nguyễn Đình Ước và Lê Đình Sỹ, trong bài tham luận: Doãn Nỗ và cuộc tiến công giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, thì trong trận này, Doãn Nỗ đảm nhận vị trí chỉ huy quân mai phục, dựa vào chỗ hiểm để bố trí trận địa ở Hà Khương.

Trần Nguyên Hãn dẫn quân khiêu chiến, nhử quân Minh vào trận địa mai phục. Sau đó cùng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi đánh chiếm đất đai, bao vây thành trì, giải phóng vùng rộng lớn tới tận phía bắc Hải Vân (nay là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế). Năm 1426, tiến quân ra Đông Đô, Doãn Nỗ có mặt ở cánh quân phía Nam.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top