Trồng nấm quý trên phế thải

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học thuộc Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM đã nghiên cứu thành công quy trình trồng nấm rơm lụa bạc ở Việt Nam.

Đây là một loại nấm quý, giàu giá trị dinh dưỡng nhưng lại khó canh tác hơn so với nấm rơm thông thường. Các nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng trồng nấm rơm lụa bạc trên phế thải. Nguyên liệu trồng nấm là bã mùn cưa cao su sau khi đã trồng nấm (mộc nhĩ, nấm bào ngư, linh chi...) hoặc bông phế thải có bổ sung dưỡng chất là cám lúa 2%, urê 2‰. Thời gian từ khi cấy đến khi đem tưới là 17 ngày, đảm bảo các điều kiện ủ tơ. Trồng ở nơi thông thoáng, có ánh sáng khuếch tán. Thời gian từ lúc bắt đầu tưới đến thu hái lần 1 là 7 ngày...

Với quy trình trên, hiệu quả sinh học của việc trồng nấm rơm lụa bạc không thấp hơn so với nấm rơm thường. Kết quả nuôi trồng thử nghiệm nấm rơm lụa bạc trên chế phẩm này đã thành công và có thể nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại nấm rơm thông thường. Quy trình này có thể nhân rộng tại nhiều vùng trồng nấm khác nhau, cho ra chất lượng nấm cao, đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân.

Theo Đời sống
back to top