Triệu chứng u nang đường mật

(khoahocdoisong.vn) - U nang đường mật còn gọi là u nang ống mật là tình trạng bẩm sinh liên quan đến sự giãn nở nang của ống mật. Bệnh không phổ biến ở các nước phương Tây nhưng không hiếm ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Trung Quốc, Việt Nam. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bệnh u nang đường mật hiếm gặp với tỷ lệ mắc ở dân số phương Tây là 1/100.000 ca sinh sống, mặc dù tỷ lệ này được báo cáo là cao ở 1/13.500 ca sinh ở Hoa Kỳ và 1/15.000 ca sinh ở Úc. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể ở dân số châu Á với tỷ lệ mắc bệnh được báo cáo là 1/1.000 ca sinh sống.

Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng trong năm đầu đời. Rất hiếm khi các triệu chứng không bị phát hiện cho đến khi trưởng thành và thông thường người lớn có các biến chứng liên quan. Các triệu chứng gồm đau bụng không liên tục, vàng da và khối thành bụng trên, bên phải chỉ được tìm thấy ở một số ít bệnh nhân.

Ở trẻ sơ sinh, u nang đường mật thường dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn mật và giữ lại mật khiến trẻ vàng da và gan to. Nếu sự tắc nghẽn không thuyên giảm, tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra với gan - sẹo và xơ gan với các dấu hiệu tăng áp lực tĩnh mạch cửa (tắc nghẽn dòng chảy của máu qua gan) và cổ trướng. Nguy cơ ung thư nang tăng lên theo tuổi. Nguy cơ tăng từ 2,3% ở bệnh nhân từ 20 tuổi; tăng 30 - 75% ở bệnh nhân 70 - 80 tuổi và mô bệnh học cho thấy, chứng loạn sản ngày càng tăng khi tuổi càng cao.

Ở những người lớn tuổi, u nang đường mật có nhiều khả năng gây đau bụng và các đợt vàng da không liên tục, đôi khi viêm đường mật (viêm trong ống mật do sự lây lan của vi khuẩn từ ruột vào ống mật). Viêm tuyến tụy cũng có thể xảy ra. Nguyên nhân của các biến chứng này có thể liên quan đến dòng chảy bất thường của mật trong ống dẫn hoặc sự hiện diện của sỏi mật.

Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ dựa vào siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng, chụp MRI đường mật kết hợp với xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan mật.

U nang đường mật chủ yếu được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ u nang. Có thể mổ mở hoặc mổ nội soi hỗ trợ hoặc nội soi hoàn toàn. Các biến chứng trong tương lai bao gồm viêm đường mật và 2% nguy cơ ác tính, có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của cây đường mật. Một số nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật cho thấy, u nang túi mật cũng có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt gan nội soi một vết mổ với kết quả tương đương, ít để lại sẹo. 

Hiện nay, không có chỉ định nào được chấp nhận cho can thiệp của thai nhi trong việc quản lý các u nang đường mật nghi ngờ trước khi sinh.

BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
back to top