Trị tì khí tổn thương

(khoahocdoisong.vn) - Trong Đông y chứng băng lậu có nhiều nguyên nhân, nếu chẩn đoán sai, điều trị không đúng phép, bệnh không khỏi, lâu ngày làm cho tỳ khí bị tổn thương.

Bài Ích vị thăng dương thang

Điều trị chứng tỳ khí bị tổn thương sinh chứng kinh nguyệt không đều dẫn đến ăn uống kém, bụng dưới đầy trướng, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt vàng úa, cơ thể gầy còm. Dùng bài thuốc này để điều trị bệnh sẽ hết.

Bạch truật (sao) 12g, cam thảo (chích) 4g, đương qui 8g, hoàng cầm 6g, hoàng kỳ (chích) 12g, nhân sâm 12g. Sài hồ 4g, thăng ma 8g. thần khúc 8g, trần bì 8g.

Ghi chú: Không được dùng đảng sâm thay nhân sâm vì kết quả không cao.

Trong bài thuốc hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, cam thảo để bổ khí hòa trung. Thăng ma, sài hồ để thăng dương, thăng khí. Thần khúc, trần bì để lợi khí hành trệ. Hoàng cầm để thanh nhiệt. Bài thuốc có tác dụng: Ích khí, thăng dương, dưỡng huyết, điều kinh. Để trị chứng kinh nguyệt không đều, băng lậu, hành kinh huyết ra lai rai không dứt, hoặc sau khi bệnh nhân bị xuất nhiều huyết, ăn uống kém, tiêu chảy. Tán bột, ngày uống 3 lần mỗi lần uống 15g với nước sinh khương 5 lát, đại táo 3 quả sắc làm thang, uống trước khi ăn.

Bài Quy tỳ thang

Đây là bài thuốc kinh nghiệm của nhiều thế hệ thầy thuốc Đông y. Bài Quy tỳ có 7 bài, bài này chủ yếu để điều trị chứng tâm tỳ đều hư, dẫn đến khí huyết hư, kinh nguyệt không đều.

Bạch linh 8g, bạch truật 10g, cam thảo 2g, đương qui 4g, hoàng kỳ 10g, long  nhãn 10g, mộc hương 2g, nhân sâm 10g, táo nhân 4g,  viễn chí 4g,  nhục quế 2g.

Ghi chú: Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng cho thích hợp.

Trong bài nhân sâm, bạch truật, cam thảo để kiện tỳ ích khí. Hoàng kỳ để tăng thêm công hiệu ích khí. Táo nhân, viễn chí, nhục quế để dưỡng tâm an thần. Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ. Bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, cùng trị chứng tâm, tỳ hư yếu. Mục đích chính là trị chứng huyết hư. Trong bài nhiều vị quân, thần, tá đều là thuốc kiện tỳ, bổ khí, bởi vì: “Khí năng nhiếp huyết và khí năng sinh huyết” vì vậy khi dùng nhiều vị bổ tỳ có liều cao để bổ khí nhiếp huyết, sinh huyết, điều trị chứng tỳ không nhiếp huyết, sinh chứng băng huyết. Hai là, tỳ là nguồn sinh hóa khí huyết, nếu tỳ vận hóa tốt thì sinh hóa khí huyết không ngừng để phục hồi sức khỏe. Tâm chủ huyết, dựa vào huyết dịch để hoạt động, khi huyết hư thì sinh chứng tâm hồi hộp, ít ngủ, hay quên trong bài dùng táo nhân, viễn chí, nhục quế để dưỡng tâm huyết mà an thần.

Theo Hải Thượng Y tông tâm lĩnh: Nếu bài này dùng để trị chứng mệnh môn hỏa suy, khí huyết của hậu thiên đều hư, nên bỏ vị mộc hương có tính hành tán, để bảo toàn nguyên khí, như vậy bài thuốc giữ được nguyên dương. Cùng uống với bài bát vị để bổ hỏa. Để thủy hỏa, khí huyết đều được bổ dưỡng. Bài thuốc trị chứng tâm tỳ đều hư, khí huyết hư, kinh nguyệt không đều, rong huyết, xuất huyết dưới da, tâm hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, mệt mỏi, cơ thể suy nhược không có bài nào sánh được.

Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Bài Tiêu giao tán

Bài thuốc có tác dụng sơ can giải uất, điều trị chứng can uất, huyết nhiệt kinh nguyệt không đều.

Bài thuốc gồm bạch thược 30g, bạch truật 30g, cam thảo 16g, đương qui  30g, phục linh 30g, sài hồ 30g. Gia bạc hà 6g, ổi khương 12g. Trong bài đương qui, bạch thược để dưỡng huyết, nhu can. Sài hồ để sơ can giải uất. Bạc hà có tác dụng phát tán. Bạch truật, cam thảo để bồi bổ tỳ thổ. Ổi khương phối hợp với đương qui, bạch thược để điều hòa khí huyết. Bài thuốc có tác dụng sơ can giải uất, khi can mộc được giải thì bệnh khỏi.

Trong Đông y khi can mộc bị bệnh thì dễ phạm đến tỳ thổ do đó trong bài cần có thuốc bổ tỳ để kiện vận, giúp cho tỳ thổ mạnh lên để ức chế sự chèn ép của can mộc. Ngoài ra cần phải có thuốc dưỡng huyết để hòa doanh, bổ can. Như vậy bài thuốc vừa bổ, vừa tả cho cả can lẫn tỳ. Trên lâm sàng nhiều thế hệ thầy thuốc dùng rất có hiệu quả nên được gọi là bài gia dụng của nghề làm thuốc.

 Bài thuốc điều trị chứng can khí uất, huyết nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, đầu váng, mắt hoa, hồi hộp, miệng và họng khô, ngực đầy, sườn đau, tỳ vị không hòa, nên kinh nguyệt không đều. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng (nguyên CT Hội Đông y VN)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top